TP HCMChương trình “Shakespeare và chúng ta” sẽ điểm lại những tác phẩm và ảnh hưởng của đại văn hào Anh với độc giả thế giới trong bốn thế kỷ.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 460 năm ngày sinh William Shakespeare, diễn ra lúc 9h ngày 14/1 tại salon Văn hóa Cà phê thứ bảy, TP HCM, dịch giả Bùi Xuân Linh và nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn tham gia.
Dịp này, Bùi Xuân Linh giới thiệu hai cuốn sách Shakespeare – Cuộc đời và Tác phẩm, Bi kịch của Shakespeare do ông dịch và chú giải. Ông cũng ra mắt tủ sách Shakespeare, phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy và thưởng thức các tác phẩm của văn hào.
Shakespeare – Cuộc đời và Tác phẩm do nhà phê bình sân khấu Lois Poter chấp bút, xuất bản năm 2012. Giá trị của cuốn sách được một đồng nghiệp của bà là Lena Cowen Orlin, Giám đốc Điều hành Hội Shakespeare Mỹ, và Giáo sư Anh ngữ tại Đại học Georgetown nhận định: “Cuộc đời của William Shakespeare là sản phẩm của những kho kiến thức lịch sử sâu sắc, kinh nghiệm sân khấu và sự nhạy bén trong phê bình, tất cả được triển khai bằng một trí tưởng tượng đồng cảm phi thường. Potter đã phân xử những cuộc tranh cãi thường trực về câu chuyện cuộc đời với trí thông minh, sự bình tĩnh, cung cấp các bài đọc mới sắc sảo, tế nhị về tác phẩm và đưa ra những quan sát thú vị”.
Bi kịch của Shakespeare do Claire McEachern, Phó Giáo sư tại Khoa Ngữ văn Anh, Đại học California, Los Angeles, Mỹ chủ biên. Ngoài ra có sự đóng góp của 13 giáo sư chuyên ngành ngữ văn Anh tại các đại học của Anh, Bắc Mỹ, được Nhà xuất bản Đại học Cambridge ấn hành năm 2007. Mười ba bài tiểu luận trong sách đề cập những bi kịch của Shakespeare từ khi khởi nguồn, phát triển và xuất hiện trên sân khấu, trang giấy và lịch sử phê bình.
Theo dịch giả Bùi Xuân Linh, có nhiều lý do để đọc và nghiên cứu về Shakespeare. Trước hết, các nhà văn cùng độc giả tài năng đều coi ông là nhà văn viết bằng tiếng Anh xuất sắc của thế giới.
Thứ hai, Shakespeare vượt trội so với các kịch tác gia nhờ sự đa dạng của đề tài và chiều sâu tâm lý nhân vật. Những vở kịch của ông đề cập nội dung bi thương lẫn hài hước, thông qua các nhân vật hư cấu và có thật trong lịch sử Hy Lạp, La Mã hay Anh. Nhờ hiểu các khía cạnh nội tâm con người, ông khiến khán giả có thể nhìn thấy bản thân trong hình ảnh của Romeo, Juliet hay Hamlet. Ngôn ngữ kịch của nhà văn thu hút bởi sự duyên dáng, đầy chất thơ, lúc cô đọng, khi thấm đẫm tư tưởng triết lý. “Nghệ thuật của Shakespeare là nghệ thuật của muôn nơi và muôn thuở”, dịch giả Bùi Xuân Linh nói.
Bùi Xuân Linh, 67 tuổi, hiện sống và làm việc tại TP HCM. Ông từng cùng gần 10 dịch giả trong nước chuyển ngữ bộ Lịch sử Văn minh Thế giới, hơn 50 tập, của Will và Ariel Durant. Một số cuốn sách dịch của ông đã xuất bản là Thời đại lý trí khởi đầu (ba tập), Rousseau và cách mạng (bốn tập), Thời đại Napoléon (bốn tập).
William Shakespeare (1564-1616), là một kịch tác gia, thi sĩ và diễn viên người Anh. Ông có nhiều vở kịch, thơ được chuyển thể thành phim cùng các phiên bản. Trong đó, Hamlet đứng đầu với 79 bản, kế tiếp là Romeo và Juliet đạt mốc 52 phiên bản. Shakespeare cũng là tác giả có tác phẩm được dịch nhiều thứ ba trong lịch sử, theo thống kê tính đến năm 2014 của nhà báo Kevin Lynch.
Minh Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doi-thoai-ve-shakespeare-4700179.html