Trong khi Arsenal và Liverpool lao đao vì mất trụ cột cho Asian Cup và giải vô địch châu Phi (AFCON), Man City lại đón cú hích với sự trở lại của nhạc trưởng Kevin de Bruyne.
Sau nửa đầu mùa giải phập phù, Man City dần tìm lại phong độ khi De Bruyne chuẩn bị tái xuất. Họ lần đầu vô địch FIFA Club World Cup – nơi tiền vệ Bỉ sang Arab Saudi tập luyện cùng toàn đội nhưng không được đăng ký – rồi trở lại đường đua Ngoại hạng Anh. Họ hiện đứng thứ ba với 40 điểm, kém đỉnh bảng Liverpool năm điểm nhưng đá ít hơn một trận.
Sau 141 ngày, De Bruyne lần đầu góp mặt ở danh sách đăng ký thi đấu ở trận Sheffield 2-0 tại vòng 20 Ngoại hạng Anh ngày 20/12. Tiền vệ 32 tuổi đánh dấu sự trở lại bằng pha kiến tạo, tăng tốc bên cánh phải rồi tạt vào để Jeremy Doku ấn định chiến thắng 5-0 trước Huddersfield Town ở vòng ba Cup FA ngày 6/1.
“Đó là khoảnh khắc đáng ngại cho phần còn lại của Ngoại hạng Anh. Những quả tạt như vậy, sự sáng tạo độc đáo đó là thứ Man City đã thiếu trong suốt mùa giải này”, trang chủ Ngoại hạng Anh bình luận.
Man City sa sút thế nào khi vắng De Bruyne
Man City giành 40 điểm qua 19 vòng đầu Ngoại hạng Anh. Lần thứ ba dưới trướng Pep Guardiola, Man City giành ít nhất 40 điểm qua nửa đầu mùa giải. Họ không vô địch cả hai lần trước đó, khi Man City về thứ ba mùa 2016-2017 với 78 điểm và về nhì mùa 2019-2020 với 81 điểm.
Bất kể những vấn đề nào khác, từ việc mất động lực sau mùa giải ăn ba lịch sử đến sự sa sút của các hậu vệ cánh hay tiền vệ trung tâm, chấn thương của De Bruyne ảnh hưởng tới Man City hơn cả.
Julian Alvarez và Phil Foden được luân phiên lấp khoảng trống của De Bruyne, khi thay nhau đá hộ công ở nửa đầu mùa giải. Và trên hầu hết mọi thống kê sáng tạo quan trọng, hai cầu thủ này đều chưa thay thế được De Bruyne một cách thỏa đáng.
Thông số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Man City tại Ngoại hạng Anh mùa này đến giờ là 1,93 – thấp hơn mức 2,12 ở mùa 2022-2023. Tương tự, họ đạt hiệu suất 2,36 bàn mỗi trận mùa này, so với 2,47 mùa trước.
Nhưng đó không phải là về khác biệt tổng thể. Sự vắng mặt của De Bruyne được cảm nhận rõ ràng trong những trận đấu gai góc nhất khi Man City sa sút phong độ hoặc chật vật trước các hàng thủ lùi sâu.
Trong ba trận tại Ngoại hạng Anh mùa này, Man City lần lượt đạt chỉ số xG là 0,9, 0,5 và 0,6 trước Wolves, Arsenal và Aston Villa. Trong khi đó, thông số xG của họ trong bốn trận thua mùa trước là 1,0, 1,6, 0,6 và 1,3. Đó là mức trung bình 1,13 xG mỗi trận, gần gấp đôi mức trung bình 0,67 trong các trận thua ở nửa đầu mùa 2023-2024.
Sự trở lại của De Bruyne
Những quả tạt và sự sáng tạo đột phá là những gì De Bruyne có thể mang lại. Tiền vệ Bỉ là sự đột phá sáng tạo duy nhất trong các mô hình chiến thuật được xây dựng hoàn hảo của Guardiola, một cầu thủ có khả năng bùng nổ luôn khiến đối thủ phải cảnh giác bằng cách đi ngược lại quy luật.
Man City cần sự khó đoán và sự khéo léo sáng tạo để xuyên phá một hàng thủ lùi sâu, được tổ chức tốt, đầu, đặc biệt là vào những ngày mà chiến thuật của Guardiola không hiệu quả. Họ cũng cần một cầu thủ có khả năng di chuyển giữa các tuyển hoặc tận dụng những khoảnh khắc hiếm hoi ở rìa vòng cấm khi hàng thủ đối phương bị xô lệch và lộ những khoảng trống.
De Bruyne rất mạnh ở điểm này, khi thi đấu trực diện hơn nhiều so với Foden hay Alvarez, tung ra những đường chuyền dài hơn hoặc đột phá theo đường thẳng vào đúng thời điểm.
So với mùa trước, số lần lên bóng nhanh của Man City đã giảm một nửa từ 0,58 xuống 0,26 mỗi trận, trong khi số đường chuyền tịnh tiến – đường chuyền bóng thành công hướng lên phía trước, tiến về phía khung thành của đối thủ – của họ giảm từ 54,6 xuống 49,3 mỗi trận.
De Bruyne còn có thể tạo khác biệt từ những quả tạt. Mùa này, số quả tạt của Man City giảm từ 19,5 xuống 16,5 mỗi trận, phần lớn là do sự vắng mặt của ngôi sao người Bỉ. Mùa trước, anh tạt 226 đường – thông số cao thứ năm tại Ngoại hạng Anh. Còn qua 20 vòng đầu, cầu thủ tạt bóng nhiều nhất của Man City là Alvarez với 99 đường, đứng thứ 12 tại giải.
Haaland bùng nổ trở lại?
Người hưởng lợi nhất từ những quả tạt này chắc chắn là Erling Haaland – tiền đạo chỉ ghi hai bàn qua bốn trận gần nhất. Mùa này, Haaland có hiệu suất 0,97 bàn mỗi trận, giảm so với mức 1,17 mùa trước, nhưng điều quan trọng hơn là anh chỉ ghi bàn trong tám trận tại Ngoại hạng Anh.
Trung phong 23 tuổi gặp khó trước các CLB đá tử thủ và có nhiều quân số trong vòng cấm. Anh thường chỉ ghi bàn thứ hai hoặc thứ ba khi mọi thứ dễ dàng hơn cho đoàn quân của Guardiola. Đây là điều không bất ngờ, khi Haaland nhận được ít đường chuyền hơn đáng kể so với mùa trước (15,4 đường chuyền mỗi trận so với 18,9 mùa trước). Anh cũng chạm bóng ít hơn với trung bình 20,2 lần mỗi trận, giảm từ 24,8 ở mùa 2022-2023.
Những con số này chắc chắn sẽ tăng lên với sự trở lại của De Bruyne. Mùa trước, tiền vệ Bỉ có tám pha kiến tạo cho Haaland. Mùa này, những người dẫn đầu thông số này là Alvarez và Bernardo Silva với mỗi người hai kiến tạo.
Foden là người có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự trở lại của De Bruyne. Foden luôn chơi như cầu thủ số 10 và De Bruyne đã vô tình cản đường cầu thủ 23 tuổi phát triển ở vị trí tốt nhất. Điều này được thể hiện trong những tuần qua.
Sáu trận gần nhất Foden đá chính trên mọi đấu trường, bắt đầu từ trận trắng Luton Town 2-1 vào đầu tháng 12, đều với vai trò số 10. Anh ghi ba và kiến tạo sáu bàn ở vị trí này.
Nhưng lo lắng về việc Foden sa sút là quá bi quan. Tiền vệ người Anh vẫn có thể đóng góp nhiều, đặc biệt nếu Guardiola xếp anh đá cặp với De Bruyne ở hàng tiền vệ, giống như cách Ilkay Gundogan đã làm ở mùa giải trước.
“Với người hâm mộ Man City, đây chỉ có thể là một tin vui. De Bruyne tái xuất và sẵn sàng cho mùa xuân – giai đoạn Man City thường trải qua chuỗi chiến thắng đáng sợ. Liverpool, Aston Villa, Arsenal và Tottenham hãy cẩn thận. Mọi thứ sắp thay đổi”, trang chủ Ngoại hạng Anh kết luận.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/man-city-loi-hai-the-nao-khi-de-bruyne-tro-lai-4700330.html