Tác giả Cù Mai Công cho biết sợ khi viết “Gia Định là nhớ – Sài Gòn là thương 2” bởi kiến thức về mảnh đất này là vô tận.
Trong buổi giao lưu với độc giả tại Đường sách TP HCM sáng 7/1, tác giả nói về những khó khăn khi biên soạn sách. Theo Cù Mai Công, vùng đất Gia Định rộng lớn và thay đổi quá nhanh với những nề nếp văn hóa, lối sống vô cùng đa dạng và phong phú nên không ai dám tự nhận là mình hiểu hết về vùng đất này.
Dù đã ra bốn cuốn sách và đang viết cuốn thứ năm cùng chủ đề, Cù Mai Công không dám nhận là nhà nghiên cứu. Càng viết, càng tìm hiểu, anh lại càng thấy kiến thức của mình nhỏ bé.
Tác giả nói: “Tôi thấy sợ khi viết về Sài Gòn. Đây không phải cách nói khiêm tốn. Không phải riêng tôi mà nhiều người ở đây cũng vậy. Không một ai dám xưng mình là nhà Sài Gòn học vì nó quá rộng lớn”.
Về lý do viết Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương tập hai, Cù Mai Công nói: “Tôi mon men lên thành phố hồi bảy, tám tuổi và sống, làm việc ở trung tâm thành phố (Nhà Văn hóa Thanh Niên, tòa soạn báo Khăn quàng đỏ – Mực tím) hơn 40 năm. Sống đâu yêu đó. Và đã yêu thì ai lại không tìm hiểu. Nhưng tìm hiểu không chỉ để tìm hiểu, để nhìn lại quá khứ mà để yêu hơn, tin hơn một Sài Gòn – TP HCM luôn tươi mới, hiện đại và nghĩa tình với nếp nhà Gia Định xưa”.
Cù Mai Công thường nói với nhà văn Phạm Công Luận – một cây bút nổi tiếng viết sách chuyên khảo về Sài Gòn: “Chúng ta và nhiều cây bút khác cố gắng chia sẻ hồi ức xưa từ góc nhìn nhỏ bé của mình, trước hết từ vùng đất mình sinh ra, lớn lên để cùng chung tay, góp sức cho một Sài Gòn xưa”.
Độc giả Minh Tâm (66 tuổi, quận 6) cho biết: “66 năm sống ở đây nhưng tôi rất lơ mơ, không biết gì nhiều về thành phố. Nhờ đọc sách của anh Cù Mai Công, tôi mới biết vùng đất này còn nhiều cái thú vị đến thế. Cảm ơn anh Công vì đã rất dày công gom góp những hình ảnh, tư liệu quý trong sách”.
Cuốn sách thứ hai của Cù Mai Công được ví là “chiếc vé” du hành ngược thời gian, đưa độc giả dạo quanh những địa điểm nổi tiếng cũng như ít người biết thời Pháp thuộc, như chợ Bến Thành, những đại lộ đầu tiên người Pháp xây dựng.
Tác giả cũng kể về các sự kiện, con người mà anh từng chứng kiến, trò chuyện, với những kỷ niệm về nghệ sĩ Văn Hùng, cặp nghệ sĩ Kim Hoàng – Như Mai, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nhà thơ Bùi Chí Vinh.
Cù Mai Công kết hợp trải nghiệm bản thân với tư liệu, tái hiện các khoảnh khắc, câu chuyện bình dị trong cuộc sống. Vốn thích lang thang đây đó, cộng thêm công việc làm báo, những trang sách của Cù Mai Công đậm chất liệu đời thực. Sách dày gần 500 trang, có nhiều bức ảnh được Cù Mai Công gom góp, lưu giữ trong hàng chục năm.
Cù Mai Công dẫn người đọc ra ngoại ô thành phố, miêu tả những nẻo đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ) hay Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Huỳnh Văn Bánh).
FFTác giả Cù Mai Công, 62 tuổi, là nhà báo kiêm võ sư. Anh là một trong bốn thành viên sáng lập tờ Mực Tím. Năm 1993, anh chuyển sang làm việc ở báo Tuổi trẻ.
Trước tác phẩm này, Cù Mai Công từng phát hành các cuốn cùng chủ đề, như Sài Gòn một thuở Dân Ông Tạ đó (hai tập) và Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương (năm 2022).
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cu-mai-cong-khong-de-viet-ve-sai-gon-4697993.html