Bệnh nhân nữ, 53 tuổi quê tại Hà Giang, đau bụng âm ỉ vị trí hạ sườn trái 1 tháng nay, thỉnh thoảng có quặn cơn. Kết quả nội soi ống mềm: Khối u sùi đại tràng góc lách thâm nhiễm quanh chu vi, ống soi qua được. Kết quả giải phẫu bệnh: Ung thư đại tràng trái. Bệnh nhân được ekip bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại tràng trái, vét hạch.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công, hiện tại bệnh nhân ổn định. Đây là một trong 6 bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được phẫu thuật nội soi robot trong 4 ngày (ngày 2-5.1) tại Bệnh viện K (Hà Nội) với sự tham gia của GS Rasa Zarnegar – Giám đốc Trung tâm phẫu thuật robot Đại học Y khoa Weill Cornell New York (Mỹ).
PGS.TS Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K – cho biết: Phẫu thuật robot điều trị ung thư tiêu hóa có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường. Cụ thể, hình ảnh quan sát rõ nét (hình ảnh trường mổ 3D độ phân giải cao), các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, chi tiết giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác, lấy được tối đa tổ chức ung thư, bảo tồn tối đa tổ chức lành, các mạch máu, thần kinh.
“Phẫu thuật robot cũng đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo. Bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ, có thể ngày thứ nhất, thứ 2 đã đi lại bình thường, ngày thứ 3 có thể xuất viện”, PGS Bình nói.
Trong tương lai, phẫu thuật robot sẽ ngày càng khẳng định vị thế trong lĩnh vực ung thư, về hồi phục sớm sau mổ và phẫu thuật triệt căn.
Những năm gần đây, số lượng các bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa tăng mạnh. Ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất tại Việt Nam.
Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, 14.000 ca ung thư đại tràng, 3.200 ca ung thư thực quản.