Wayne Rooney bị Birmingham sa thải chỉ sau 15 trận một lần nữa cho thấy các cựu cầu thủ của Alex Ferguson đa phần đều thất bại khi chuyển sang làm HLV.
Ferguson là HLV giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá, với 49 danh hiệu lớn nhỏ cùng St Mirren, Aberdeen và Man Utd, trong đó có 13 chức vô địch Ngoại hạng Anh và hai Champions League. Ngoài các danh hiệu, ông còn truyền cảm hứng cho nhiều cầu thủ làm HLV sau khi treo giày. Hàng chục cựu cầu thủ Man Utd dưới trướng ông đã huấn luyện một đội bóng chuyên nghiệp, nhưng không ai đạt tầm đẳng cấp thế giới.
Rooney khởi đầu sự nghiệp cầm quân ở Derby County giai đoạn 2020-2022, dẫn đội 85 trận với tỷ lệ thắng chỉ 28%. Tỷ lệ này của ông ở DC United giảm xuống còn 26%, đến Birmingham là 13%. Birmingham cũng rơi 14 bậc, xuống vị trí 20, trong thời gian Rooney cầm quân. HLV 39 tuổi nói rằng ông sẽ phải mất một thời gian nữa mới nguôi ngoai thất bại này để trở lại với bóng đá.
Gary Neville không khá hơn nhiều, khi bất ngờ được Valencia mời về cầm quân thời 2015-2016, dù chưa có kinh nghiệm làm HLV trưởng. Dù họ thuộc dạng khá tại La Liga, Neville chỉ thắng 36% số trận, để bị sa thải sau chưa đầy bốn tháng. Thời điểm ông bị tước quyền chỉ đạo là cuối tháng 3/2016, và khi đó đội chỉ hơn nhóm xuống hạng sáu điểm.
Trợ lý của Gary khi đó là em trai Phil Neville. Cả hai đều không nói được tiếng Tây Ban Nha, không được lòng người hâm mộ ngay từ những ngày đầu. Phil cũng là cựu cầu thủ Man Utd, sau này dẫn tuyển nữ Anh, Inter Miami và hiện là Portland Timbers ở Mỹ. Dưới thời Phil, Miami đứng thứ 11 trên 14 đội ở miền Đông MLS trong mùa đầu tiên, rồi đứng chót bảng mùa thứ hai và bị đồng đội cũ nay làm ông chủ CLB – David Beckham – sa thải.
Anh em nhà Neville có lẽ vẫn chưa tệ bằng Paul Scholes. Cựu tiền vệ tài năng này từng thử sức cầm quân ở Oldham Athletic năm 2019, ở giải hạng Tư, nhưng từ chức chỉ sau bảy trận, với tỷ lệ thắng 14%.
Một huyền thoại khác ở Old Trafford là Ryan Giggs chưa làm HLV chính thức của một CLB chuyên nghiệp nào, nhưng từng dẫn đội tuyển Xứ Wales. Khi chưa kịp tạo ra dấu ấn nào, ông đã bị bắt vì cáo buộc hành hung bạn gái cũ. Giggs được coi là cầu thủ giàu thành tích nhất thời Ferguson, cũng với 13 danh hiệu Ngoại hạng Anh, nhưng gặp nhiều vấn đề ngoài sân cỏ.
Roy Keane từng được kỳ vọng sẽ thành HLV giỏi, bởi ông thể hiện tố chất thủ lĩnh thời còn chơi cho Man Utd giai đoạn 1993-2005. Vì thế, HLV người Ireland được bổ nhiệm dẫn Sunderland ở hạng Nhất Anh, ngay sau khi treo giày. Ông giúp đội vô địch sân chơi này, để giành quyền thăng hạng lên Ngoại hạng Anh. Nhưng trong mùa đầu ở hạng cao nhất, ông chỉ thắng 29% số trận, khi đội đứng vị trí 15. Khi Keane từ chức, CĐV Sunderland xuống đường ăn mừng.
Những HLV khác được cho là thành công hơn ở Ngoại hạng Anh có Mark Hughes, Steve Bruce và Ole Gunnar Solskjaer. Hughes là HLV đầu tiên dưới trướng ông chủ người UAE Mansour Al Nahyan tại Man City, nhưng tỷ lệ thắng của ông chỉ đạt 47%, và rồi bị sa thải chỉ sau một năm. Tháng 10/2023, ông tiếp tục bị đội hạng Tư Bradford sa thải.
Bruce cũng mới chỉ dẫn các CLB tầm trung ở Ngoại hạng Anh, với thành tích tốt nhất là giúp Hull City vào chung kết Cup FA năm 2014. Tuy nhiên, ông chưa từng được thử sức ở các đội bóng lớn. Solskjaer ít kinh nghiệm hơn, nhưng được trao quyền dẫn dắt Man Utd thời 2018-2021, giúp đội vào chung kết Europa League. Kể từ thời hậu Ferguson, Solskjaer là HLV duy nhất giúp Man Utd đứng trong Top 4 hai mùa liên tiếp. Thành tích này Louis van Gaal, Jose Mourinho hay có thể cả Erik ten Hag cũng không làm được.
Gabriel Heinze đã trải qua gần chín năm huấn luyện kể từ khi giải nghệ, chưa đạt danh hiệu nào ở Argentina. Tương tự là trường hợp của Jaap Stam với các CLB Hà Lan và Mỹ. Ruud van Nistelrooy từng giúp PSV đoạt Cup Hà Lan, nhưng không được coi là thành công nên từ chức ngay sau đó. Michael Carrick đang tạo ra chút dấu ấn ở Middlesbrough, khi giúp đội vào bán kết Cup Liên đoàn Anh, nhưng chỉ đang đứng vị trí 12 tại hạng Nhất.
Trò cũ của Ferguson được coi là thành công nhất trên cương vị huấn luyện là Laurent Blanc. Ông là thành viên tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, từng khoác áo Barca và nhiều giải hàng đầu châu Âu. Sau khi treo giày, cựu trung vệ này giúp Bordeaux bất ngờ vô địch Ligue 1 năm 2009, chưa kể Cup Liên đoàn Pháp. Ông còn ba lần tái hiện thành tích này với PSG, nhưng sự nghiệp của HLV 59 tuổi đang đi xuống ở Lyon.
Ferguson còn những học trò thời ở Aberdeen như Alex McLeish – người từng giúp Birmingham đoạt Cup Liên đoàn Anh năm 2011, hay Gordon Strachan từng bốn lần là HLV hay nhất tháng ở Ngoại hạng Anh. Nhưng thành công của họ mới gói gọn ở bóng đá Anh.
Không chỉ các học trò cũ, những trợ lý của Ferguson cũng không thành công khi làm “thuyền trưởng”. Steve McClaren từng khiến tuyển Anh mất suất dự Euro 2008, và hiện quay về làm trợ lý ở Man Utd. Carlos Queiroz thất bại khi thử sức ở Real Madrid hay đội tuyển Bồ Đào Nha, Mike Phelan chỉ thắng 25% số trận tại Hull City, còn Brian Kidd hay Rene Maulensteen đều sớm bị Blackburn Rovers và Fulham sa thải.
Tầm ảnh hưởng của Ferguson lên các hậu bối chưa sánh được với các HLV huyền thoại khác như Johan Cruyff, Bobby Robson hay Marcelo Bielsa. Pep Guardiola trở thành HLV vĩ đại nhờ những năm tháng làm học trò của Cruyff. Robson cũng nhào nặn Jose Mourinho từ một trợ lý phiên dịch thành HLV hai lần vô địch Champions League. Còn Bielsa là thầy của nhiều HLV hàng đầu như Diego Simeone hay Mauricio Pochettino. Và dù chưa từng chơi dưới trướng Bielsa, HLV Zinedine Zidane cũng từng tới tận Marseille để học việc từ chiến lược gia Argentina.
McClaren từng cho rằng bí quyết thành công của Ferguson nằm ở khả năng thích nghi, khi ông nói: “Ferguson có thể phá hủy một đội bóng và xây dựng lại mà vẫn thành công, bởi ông biết mẫu cầu thủ nào cần thiết”. Quan điểm của McClaren được chuyên gia bóng đá Jonathan Wilson đồng tình. Wilson còn cho rằng Ferguson “giỏi phát triển chiến thuật bóng đá như bất cứ HLV nào khác”.
Trước khi thành công ở Man Utd, Ferguson cũng trải qua bốn năm trắng tay. Chính ông cũng từng nói rằng hoàn cảnh của ông khi đó khác những HLV hiện tại. “Thời nay ông chủ các đội bóng tới từ khắp thế giới, giàu tham vọng và dĩ nhiên thiếu kiên nhẫn”, Ferguson nói với Mirror tháng 3/2017.
Ferguson giỏi thích nghi, nhưng cũng cần thời gian. Chính Rooney cũng nhắc tới từ này, sau thông báo khi bị Birmingham sa thải hôm 2/1. “Thời gian là thứ quý giá nhất với một HLV”, cựu thủ quân Man Utd và tuyển Anh nói. “Và 13 tuần là không đủ để đội bóng có thể thay đổi”.
Có thể một học trò của Ferguson có thể sẽ thành công như ông nếu được trao nhiều thời gian hơn, nhưng không ai đảm bảo được điều đó. Ngày nay, nhiều HLV có thể thành công ngay ở mùa giải đầu tiên, thậm chí những trận đầu tiên. Số học trò của Ferguson còn thi đấu ngày càng giảm, và trong số họ, khó tìm ra người kế thừa di sản ông để lại hơn 10 năm qua.
Xuân Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khi-cac-hoc-tro-cua-ferguson-that-bai-trong-nghe-hlv-4696351.html