Không đi chân trần
Với người có lượng đường trong máu cao nên tránh đi chân trần, dù đường có bằng phẳng đến đâu cũng không có gì đảm bảo rằng đá cuội hoặc các vật thể lạ nhỏ khác sẽ không xuất hiện. Một số người mắc đường huyết cao thích đi chân trần ở nhà, điều này rất nguy hiểm.
Giữ gìn vệ sinh bàn chân
Luôn sử dụng nước ấm để rửa chân hằng ngày. Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi rửa chân để tránh bị bỏng do quá nóng. Không sử dụng xà phòng gây kích ứng.
Sau khi rửa chân, lau khô, thấm nước giữa các ngón chân và thoa dầu vào gót chân để bảo vệ và ngăn ngừa nứt nẻ.
Luyện tập khoa học và hợp lý
Tập thể dục là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của đường huyết, nó có thể tăng cường độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu.
Khi tập luyện nên chú ý đến cường độ, thời gian; không nên tập luyện quá căng thẳng, chú ý đến sự an toàn trong khi tập luyện; đừng để bản thân bị thương.
Không ngâm chân quá lâu
Ngâm chân hằng ngày là một trong những cách quan trọng để duy trì sức khỏe, nhiều người cho rằng, cần khoảng nửa giờ mới đạt được kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, đối với người có lượng đường trong máu cao, thời gian ngâm chân không nên quá 10 phút, nhiệt độ nước không quá nóng để tránh làm tổn thương da.
Kiểm tra bàn chân mỗi ngày
Những người có lượng đường trong máu cao nên kiểm tra cẩn thận bàn chân của mình (kể cả giữa các ngón chân) mỗi ngày. Kiểm tra lòng bàn chân xem có bị đỏ, sưng tấy, bầm tím, phồng rộp hoặc da bị nứt không. Nếu phát hiện, bạn nên đến gặp bác sĩ kịp thời.