Ông D tìm đến khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tâm trạng mệt mỏi, chán nản, tâm lý tự ti… Theo lời ông D, trước đó, ông đã thăm khám và điều trị bằng các thuốc ức chế PDE5 (các thuốc chống rối loạn cương dương) theo nhu cầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng rối loạn cương dương có dấu hiệu kém đáp ứng với thuốc. Hoạt động tình dục trở nên thất thường mặc dù nhu cầu và ham muốn của cả người bệnh và vợ vẫn còn.
Tại khoa Nam học và Y học giới tính, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã chỉ định ông D thực hiện cấy ghép thể hang nhân tạo loại 3 mảnh (IPP) để cải thiện tình trạng rối loạn cương dương.
PGS.TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, đánh giá trong phẫu thuật cho thấy toàn bộ mô cương trong thể hang của bệnh nhân bị xơ hóa nhiều. Điều này cho thấy quyết định cấy ghép thể hang nhân tạo là chỉ định đúng đắn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định.
Rối loạn cương là vấn đề ít được quan tâm, đặc biệt trên người bệnh tiểu đường. Bệnh có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng… Một số nam giới mắc bệnh tiểu đường thường bị liệt dương, suy giảm chức năng sinh dục, hay còn được gọi là rối loạn cương dương.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nam giới mắc tiểu đường có khả năng gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn cương dương cao gấp 4 lần bình thường. Tỉ lệ nam giới bị đái tháo đường có biến chứng rối loạn cương dương chiếm 35 – 75%. Bệnh nhân nam tiểu đường tuýp 2 bị rối loạn cương dương trong khoảng từ 10 – 15 năm sớm hơn so với người không mắc bệnh.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới mắc đái tháo đường, bao gồm: Tổn thương mạch máu và dây thần kinh; Do testosterone thấp. Ngoài ra còn có 1 số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến rối loạn cương dương ở người mắc đái tháo đường do thuốc điều trị, lối sống không lành mạnh, hút thuốc, thừa cân, lười vận động và cả yếu tố tâm lý… là nguyên nhân gây ra rối loạn cương.
Theo PGS Hoài Bắc, hiện chưa có thống kê cụ thể tỉ lệ nam giới mắc rối loạn cương dương nhưng qua ghi nhận tại phòng khám cho thấy so với những năm trước, tỉ lệ này đang tăng dần và độ tuổi khám, điều trị vì rối loạn cương dương cũng ngày càng trẻ hóa.
“Nếu như trước đây tình trạng rối loạn cương thường là hậu quả của quá trình lão hóa chung của cơ thể, chỉ gặp ở những người nam giới lớn tuổi (trên 45 tuổi), thì nay có những bệnh nhân còn rất trẻ dưới 40 tuổi kèm theo những bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…” – PGS Hoài Bắc cho biết thêm.