Ở tuổi 24, đã trải qua ba mối tình nhưng cả ba lần Ngọc Vy đều là người thứ ba chen vào mối quan hệ của người khác nhưng cô nói chấp nhận miễn là được yêu.
18h một ngày cuối năm, Vy sửa soạn váy áo rồi gọi xe đi thẳng từ công ty đến một khách sạn quen để ăn tối với tình nhân. Bạn trai của cô cũng chính là sếp, hơn cô 15 tuổi, đã có vợ và hai con.
Mối quan hệ lén lút của hai người đã diễn ra hơn nửa năm. Vy nói mỗi tuần chỉ hẹn hò một lần vào thứ hai để tránh bị vợ sếp nghi ngờ. Để giữ bí mật chuyện này, Vy luôn hạn chế nhắn tin riêng cho đối phương, để anh chủ động liên lạc khi muốn gặp.
“Những người đàn ông ‘đã có chủ’ thường thu hút tôi. Tôi luôn cảm thấy mình đặc biệt, là một phần mà họ thiếu”, cô gái 24 tuổi nói.
Ngọc Vy luôn cảm thấy thèm khát cảm giác được quan tâm, chăm sóc. Ngày mẹ mang thai Vy, ông bà kỳ vọng cô sẽ là con trai. Để giảm nhẹ sự thất vọng của bố mẹ, cô con gái phải lớn lên với ngoại hình tóc ngắn, đầu đinh, ăn mặc hệt nam giới. Khi lớn lên, bất cứ người đàn ông nào đối xử nhẹ nhàng, cho Vy cảm giác an toàn, yêu thương, cô đều bất chấp để có được.
Bốn năm đại học, Vy trải qua hai mối tình, người kéo dài ba năm, người vài tháng. Những người đàn ông cô phải lòng đều đã có người yêu. Cô nói luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những lời ngọt ngào từ đối phương, ví dụ như “Chỉ em mới khiến anh cười nhiều thế này”, “Lúc bên em anh cảm thấy thoải mái, được là chính mình”.
Vy kể để giữ chân tình nhân cô luôn để họ được tự do, không kiểm soát, không đòi quyền lợi, miễn sao được gặp, được trò chuyện. “Khi không còn cảm nhận được sự yêu thương từ họ tôi sẵn sàng chia tay không níu kéo, tôi ghét cảm giác bị bỏ rơi”, cô nói.
Sau hai năm độc thân, Vy đang là người tình của sếp cùng công ty. Cô khẳng định bản thân tự hào và cảm thấy mình có giá trị bởi không bao giờ nhận chu cấp tài chính của người tình. “Tôi không phải ‘sugar baby‘, không nhận tiền rồi phải yêu theo yêu cầu của tình nhân, ghét bị ràng buộc trong cuộc sống cũng như trong chuyện tình dục”, Vy nói.
Những người chấp nhận “yêu người có chủ” thậm chí chủ động để có được người mình thích, không quan tâm đến việc họ đã có gia đình như Ngọc Vy không hiếm. Họ thường bị dư luận lên án, chỉ trích, đặt cho những biệt danh như “tiểu tam”, “trà xanh”, “con giáp thứ 13″… Nhưng dường như những người này không cảm thấy ngại ngần. Trên mạng xã hội xuất hiện hàng chục hội nhóm tâm sự, chia sẻ chuyện mình làm người thứ ba. Mỗi nhóm có hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên.
Quản trị viên của diễn đàn “Chuyện về người thứ ba” với hơn 100.000 thành viên cho biết đa số tài khoản trong nhóm đều là người chen vào cuộc tình của người khác, có cả nam lẫn nữ. Số ít là những bà vợ cũng vào phẫn nộ, bày tỏ sự phản đối với hành động này.
“Người thứ ba thường cảm thấy mình thiệt thòi trong cuộc tình, việc họ không được yêu thương hay đơn giản là người tình đăng ảnh về gia đình cũng khiến họ tức tối, tìm cách đòi công bằng”, quản trị viên này nói.
Quản lý của nhóm “Tâm sự người thứ ba” có hơn 10.000 thành viên cũng cho biết mỗi ngày có khoảng vài chục bài đăng của các “tiểu tam”, đa số than thở việc luôn yêu trong tâm trạng lo sợ bị phát hiện, một số nói muốn chen vào cuộc tình của người khác nhưng không muốn khiến họ phải ly hôn, đổ vỡ. “Một năm trở lại đây các thành viên tâm sự về việc mắc kẹt trong mối quan hệ ba người tăng gấp đôi so với năm ngoái”, người này cho biết.
Người thứ ba là một trong những nguyên nhân chính gây ra những cuộc đổ vỡ, ly hôn. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, 25,9% số vụ xuất phát từ việc chồng hoặc vợ ngoại tình.
6 năm yêu, từng phải phá thai vì bạn trai nói “muốn tập trung vào sự nghiệp rồi cưới và có con sau” nhưng Quỳnh Mai, 28 tuổi, ở TP HCM nhận lại cái kết đau đớn khi phát hiện bạn trai là kẻ “bắt cá hai tay”.
Mai thậm chí còn sốc hơn khi biết bạn trai cô có tới hai tình nhân. Hai người này biết sự hiện diện của nhau nhưng vẫn im lặng chấp nhận. “Họ còn nhắn tin xin tôi buông tha cho anh ấy. Tất cả đều biết tôi và anh ấy yêu nhau đã lâu nhưng họ dường như không quan tâm”, Mai nói.
Việt Hùng, 25 tuổi, ở Nghệ An thừa nhận người từng nhiều lần “bắt cá hai tay” vì thích cảm giác đi chinh phục và khám phá cái mới lạ hay thứ mà người yêu anh không có. Anh ví dụ khi gặp một cô gái dù không xinh bằng người yêu nhưng cư xử với anh nhẹ nhàng, ngay lập tức anh sẽ tìm đến.
Chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Lê Thị Minh Hoa của Viện Tâm lý Sunnycare (TP HCM) cho rằng ngoại tình là vấn đề không mới nhưng các bạn trẻ Gen Z còn độc thân, có khả năng tự chủ tài chính nhưng vẫn chọn yêu người có gia đình, là hiện tượng mới. Bà cho rằng đây là sự lệch lạc về tư tưởng, niềm tin về tình yêu của giới trẻ. “Ví dụ, một số người cho rằng yêu đương, kết hôn rồi cũng ly hôn nên mất niềm tin vào sự chung thủy”, bà Hoa nói. Bên cạnh đó, người trẻ cho mình quyền tự do trong yêu đương, yêu bất chấp, một số chủ quan nói miễn không phá vỡ hạnh phúc, không khiến họ ly hôn là được.
Lý giải về việc một số người trẻ bênh vực chuyện ngoại tình, chuyên gia Hoa cho rằng hiện nay lớp trẻ không đặt nặng chuyện kết hôn, nhìn nhận việc ly hôn đơn giản, không coi gia đình là đích đến của hạnh phúc mà là phương tiện, có thể thay đổi khi không hạnh phúc.
Theo chuyên gia, việc người đàn ông hay phụ nữ đi ngoại tình nhưng nói rằng vẫn yêu gia đình, không bỏ con bỏ vợ hay chồng được chỉ là ngụy biện. Không ai yêu nhau thật lòng mà muốn san sẻ thêm cho người thứ ba. Điều này cũng khiến người thứ ba nảy sinh lòng tham, muốn chiếm hữu, cướp đoạt hạnh phúc cho riêng mình, luôn thấy mình đặc biệt, khác biệt.
Theo TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, nếu xét ở góc độ cảm xúc, việc có rung cảm với người khác giới là điều hoàn toàn bình thường nhưng con người luôn sống với các chuẩn mực xã hội nên việc việc yêu hay chen chân vào mối quan hệ tay ba là hoàn toàn sai.
Tuy nhiên nhiều cô gái vẫn tham gia vào mối quan hệ tay ba, cho rằng đó là tình yêu, là đẳng cấp, là chiến thắng. Đây là cái nhìn lệch lạc về tình yêu và hôn nhân. Một số lý do khiến khiến các cô gái trở nên như thế có thể vì họ sống bản năng, sống buông thả và có sự bất cần trong cuộc sống do hoàn cảnh, do tổn thương tâm lý từ cuộc sống.
“Việc xã hội bênh vực hoặc cổ súy cho hành vi sai trái như ngoại tình sẽ làm cho các giá trị xã hội bị xuống cấp, gia đình tan vỡ, niềm tin vào hôn nhân bị ảnh hưởng”, chuyên gia nói.
TS Nga cảnh báo việc tự biến mình thành người thứ ba thực chất là biến mình trở thành mặt hàng, đồ chơi hay thậm chí là nô lệ của kẻ khác. “Luật pháp đã có quy định về xử phạt kẻ thứ ba cho nên mỗi người hãy luôn sống xứng đáng với cuộc đời”, chuyên gia Nga chia sẻ.
Từng ngoại tình với người đã có gia đình, Thục Trinh, 26 tuổi, ở Hà Nội nói trong quá trình yêu đương luôn sợ sệt, cảnh giác lo rằng sẽ bị phát hiện. Kể cả đi chơi cùng người tình, cô cũng phải chọn một nơi thật xa không có ai nhận ra. Được hơn một năm, cuộc tình lén lút bị bại lộ, Trinh bị “bóc phốt” trên mạng xã hội. Cô khóc và hối hận, giam mình trong nhà cả tháng trời. Đau đớn hơn khi người tình còn dẫn “chính thất” đến gặp mình để nói lời chia tay.
“Tôi hối hận khi biết làm người thứ ba sẽ không có cái kết đẹp mà vẫn lao vào, giờ tôi không dám yêu ai vì sợ họ biết quá khứ xấu xa của mình”, Trinh nói.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
Thanh Nga
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chap-nhan-lam-nguoi-thu-ba-4695073.html