Thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/12, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn là 230.200 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022.
Trong nhóm doanh nghiệp mua lại nhiều nhất, ngoài ngân hàng (49%), bất động sản và xây dựng lần lượt 14% và 13%.
Cũng theo Bộ Tài chính, về lượng trái phiếu phát hành chỉ nhỉnh hơn so với lượng trái phiếu được mua lại trước hạn.
Cụ thể, đến ngày 25/12, 78 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 245.900 tỷ đồng, giảm 27% với khoảng 66.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là các tổ chức chiếm 93,2%, trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%. Các nhà đầu tư cá nhân mua phần còn lại là 6,8%.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa cho biết, Ngân hàng OCB vừa mua lại trước hạn toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã OCBL2124011. Lô trái phiếu được phát hành ngày 15/12/2021, thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 3,2%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm theo chứng quyền.
Ngân hàng Vietcombank cũng đang tiến hành mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng trong 2 tháng còn lại của năm 2023, bao gồm 600 tỷ đồng trái phiếu VCBH2128006, 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCBH2128002 và 500 tỷ đồng trái phiếu mã VCBH2128004.
Trước đó, Ngân hàng LPBank cũng mua toàn bộ 2 lô trái phiếu mã LPBH2124014 và LPH2124015 phát hành hồi tháng 12/2021 với thời hạn 3 năm, tổng giá trị trái phiếu mua lại lên tới 2.000 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Agribank thông báo đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2023, thu hút sự tham gia của 14.156 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Giới phân tích tài chính cho rằng, việc các ngân hàng ồ ạt mua lại trái phiếu trùng với diễn biến huy động tiền từ dân cư tăng trưởng tích cực trong 3 quý đầu năm, nhưng tín dụng lại tăng chậm.
Trái phiếu là kênh huy động vốn thường dùng để thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh mang tính trung, dài hạn. Năm 2023, thị trường này tiếp tục gặp biến động sau vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối năm ngoái. Nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới.
Để gỡ khó cho thị trường, Chính phủ ban hành Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người mua trái phiếu để thanh toán gốc, lãi đến hạn bằng tài sản khác. Các trái phiếu đã phát hành có thể được kéo dài kỳ hạn, tối đa 2 năm.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2023 của ngành tài chính được tổ chức chiều 27/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng hiện nay, thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp đang có nhiều nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ. Muốn doanh nghiệp có thể trả được nợ, thanh toán được trái phiếu thì phải tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh tốt lên, có nguồn lực để thanh toán nợ, đồng thời đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách,…
Nêu quan điểm về điều hành thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế không chỉ trông chờ vào các chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như tháo gỡ về thủ tục pháp lý, tín dụng, nguồn vốn…
Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định ngành tài chính sẽ cùng với các địa phương, bộ ngành tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai, thực hiện; tháo gỡ gỡ vướng mắc trong đầu tư công, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư… qua đó tăng tổng cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nguồn tin: https://cafef.vn/230200-ty-dong-trai-phieu-duoc-mua-lai-truoc-han-188231230094440955.chn