Nghệ AnNgười dân huyện Kỳ Sơn vào rừng chẻ cây tre và nứa lấy sâu măng bên trong đưa về làm món ăn, hoặc bán cho thương lái thu hơn 500.000 đồng mỗi ngày.
Sáng cuối tháng 12, ông Hờ Nhìa Xồng, 50 tuổi, trú xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, cùng 3 hàng xóm mang gùi và dao đi bộ vào núi cách nhà 5 km để săn sâu măng. Đây là công việc thời vụ của người dân vùng cao Nghệ An vào dịp cuối năm.
Cánh rừng tre, nứa rộng hàng trăm ha tại các xã Huồi Tụ, Tây Sơn, Mường Lống, Hữu Kiệm, Nhôn Mai… ở huyện Kỳ Sơn đang vào mùa thu hoạch măng. Ngoài cho măng, các cây tre, nứa còn chứa ấu trùng (gọi là sâu măng). Sâu đường kính một cm, dài 3-5 cm, màu trắng sữa. Chúng thường chui vào thân cây tre, nứa sinh trưởng, lúc trưởng thành thì đục lỗ thoát ra ngoài.
Ông Xồng cho biết lúc cây tre và nứa còn non thì sâu đang ăn phân tán trên ngọn. Vào mùa đông cây lớn hơn, ấu trùng bắt đầu xuống các đốt dưới gốc làm tổ. Vì thế đây là giai đoạn sâu to và béo nhất.
Mùa sâu măng bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 1 năm sau. Hai tháng qua, mỗi lần lên núi ông Xồng luôn mang theo cơm nắm, nước uống để làm việc xuyên trưa. Chọn những cây tre, nứa hơi cong queo, vỏ thâm, héo ngọn, mắt có u, ông Xồng dùng dao sắc chẻ thân lấy ấu trùng.
Khi chẻ thân cây, thợ phải cẩn thận, nếu không lưỡi dao rẽ cứa đứt sâu măng đang nằm bên trong ruột rỗng. Với nứa, mỗi cây chỉ cho một con ấu trùng. Tre thì nhiều hơn, có gốc hàng chục con. Chẻ một cây mất khoảng 2-5 phút. Một ngày, mỗi người lấy được 2-3 kg sâu măng.
“Những cây tre, nứa bị sâu măng ăn đa phần sẽ hư hỏng. Do vậy việc chặt cây để lấy ấu trùng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh. Để có nguồn sâu măng dồi dào và thường xuyên, chúng tôi luôn nhắc nhau bảo vệ các cánh rừng tự nhiên”, ông Xồng nói.
Ngoài dân địa phương, một số gia đình ở các huyện như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong… dịp này cũng tranh thủ đến các cánh rừng già tại huyện Kỳ Sơn và khu vực lân cận săn sâu măng. Người nhà gần thì đi về trong ngày, nếu ở xa mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 hôm, tối dựng lán ngủ lại rừng.
Sâu măng luôn đắt hàng. Người dân vừa mang gùi xuống núi đã có thương lái chờ sẵn bên các ngả đường liên thôn, liên xã mua với giá 250.000-300.000 đồng một kg. “Mỗi ngày tôi lấy được khoảng 2 kg, thu về hơn 500.000 đồng. Gia đình nào đông người thì lời 1-3 triệu đồng. Trung bình mỗi vụ, người dân có thêm thu nhập phụ 10-15 triệu đồng, ở những bản làng làm tốt công tác bảo vệ rừng thì nguồn thu còn cao hơn”, ông Hờ Bá Xà, 56 tuổi, trú xã Huồi Tụ cho hay.
Ngoài bán cho thương lái, một số người cất khoảng 5-7 lạng sâu măng về nhà chiên giòn, rang với lá chanh, om dưa chua, xào măng, nướng… Loài ấu trùng này được xem là đặc sản của vùng cao Nghệ An, ăn có vị béo và bùi, thường dùng để tiếp đãi khách.
Săn sâu măng cho thu nhập cao, song thợ cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Núi rừng Kỳ Sơn cao 800-1.000 m so với mực nước biển, nhiều dốc đá dựng đứng, cây bụi chằng chịt, lúc mưa rất dễ trượt ngã. Người dân cũng có thể bị vắt, rắn, rết tấn công nếu không mang đồ bảo hộ.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết từ món ăn ít phổ biến, khoảng 5 năm nay sâu măng đã trở thành hàng hóa được ưa chuộng, bán rộng rãi tại các chợ. Tuy nhiên, trung tâm khuyến cáo khi chẻ cây tre, nứa để lấy sâu cần chú ý bảo vệ rừng, chỉ lấy ấu trùng trong những cây bị sâu đục, tránh chặt bỏ tràn lan làm ảnh hưởng hệ sinh thái.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mua-san-sau-mang-4694939.html