Khi nói đến một loại thực phẩm gây ung thư, phần lớn chúng ta thường nghĩ đến các loại thịt chế biến có nguồn gốc Phương Tây, chẳng hạn như xúc xích, thịt xông khói hoặc thịt hộp. Các loại thực phẩm này nổi tiếng gây hại và đều nằm trong một danh sách gọi là “Tác nhân gây ung thư Nhóm 1” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bằng chứng khoa học cho thấy: Ăn thịt chế biến làm tăng nguy cơ mắc không chỉ một mà nhiều loại ung thư, xuất phát chính từ việc tích lũy muối nitrate mà các nhà sản xuất thường cho thêm vào sản phẩm.
Nitrate là thứ giúp xúc xích có được màu đỏ hấp dẫn, làm tăng hương vị thịt xông khói và kéo dài được thời hạn bảo quản của thịt hộp. Nhưng sau khi được ăn vào cơ thể, hợp chất này sẽ nhanh chóng phản ứng với axit amin để chuyển đổi thành nitrosamine.
Nitrosamine thì vốn được biết đến là một hợp chất gây đột biến gen mạnh. Nó cũng được tìm thấy trong khói thuốc lá. Thâm nhiễm đường tiêu hóa, nitrosamine sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện tế bào khối u tại các vị trí như thực quản, dạ dày hoặc đại trực tràng… cuối cùng dẫn tới các loại ung thư tương ứng.
Vì vậy, khi WHO nói thịt chế biến nằm trong Nhóm 1 các tác nhân gây ung thư cho con người, điều đó hoàn toàn đúng.
Nhưng chỉ cắn một miếng thịt chế biến duy nhất có thể khiến ai đó mắc ung thư được hay không? Câu trả lời có lẽ là: Không!
Giống như một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân, bạn không thể đổ tội cho một miếng xúc xích duy nhất mà mình từng ăn ở cổng trường tiểu học năm 10 tuổi, là thứ sẽ đẩy bạn vào khoa hóa trị tại bệnh viện ở tuổi ngoài 50.
Thỉnh thoảng thả xúc xích vào lẩu, phết thịt hộp lên bánh mì hay đưa thịt xông khói vào thực đơn ngày Tết cũng không thể khiến bất kỳ ai mắc ung thư. Nhìn chung, nếu bạn ăn ít những loại thực phẩm này, nguy cơ ung thư của bạn sẽ được kiểm soát. Bởi như Paracelsus – cha đẻ của ngành độc chất học – từng nói:
Bất cứ hợp chất nào trên đời đều tồn tại độc tính và bạn sẽ chết vì liều của chúng chứ không phải bản thân độc chất.
Lấy ví dụ, liều gây độc của botulinum – hợp chất độc nhất hành tinh, là 0,00001 mg/kg cân nặng. Chỉ 0,0006 mg botulinum là đủ giết chết một người trưởng thành.
Để dễ hình dung, một vết cắn của rắn hổ mang chúa phải chứa 70 mg nọc độc mới có thể gây ra cái chết. Con số là 300 mg với xyanua (KCN), chất độc thần kinh phổ biến được sử dụng bởi Đức Quốc Xã.
Vì vậy, bạn có thể nói botulinum độc hơn rắn hổ mang 1 triệu lần, độc gấp 5 triệu lần KCN. Ai sở hữu chỉ 500 gram botulinum đã có thể xóa sổ toàn nhân loại – ít nhất là trên lý thuyết.
Trên thái cực còn lại, những hợp chất mà bạn nghĩ là vô hại, không độc, thực ra chỉ đang có liều lượng quá lớn để có thể chạm ngưỡng chết người.
Chẳng hạn, ai đó phải hút 100 điếu thuốc cùng lúc mới có thể chết vì ngộ độc khí CO và nicotine. Uống 6 lít nước trong vòng 3 tiếng đồng hồ có thể khiến bạn chết vì hạ natri máu. Nhưng phải ăn liên tục 8 triệu quả chuối trong cùng khoảng thời gian mới có thể khiến bạn tử vong vì nhiễm kali phóng xạ…
Nằm đâu đó giữa dải phổ của 100 điếu thuốc lá và 8 triệu quả chuối chính là các loại thịt chế biến như xúc xích.
Theo nguyên tắc của Paracelsus, thịt chế biến chỉ trở nên độc hại nếu bạn ăn đủ nhiều, tích lũy đủ nitrate. Khi nitrate chuyển đổi thành nitrosamine trong cơ thể, tới một liều lượng chạm ngưỡng, nó sẽ bắt đầu gây tổn thương DNA, làm biến tính tế bào và cuối cùng phát triển thành ung thư.
Tính toán của các nhà khoa học cho thấy: Nếu mỗi ngày bạn ăn đều đặn 50 gram thịt chế biến, tương đương một chiếc xúc xích lớn thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mới tăng lên 18%. Con số là 36% nếu bạn ăn 2 chiếc và 54% cho 3 chiếc xúc xích.
Vì vậy, nếu ai đó đã ăn xúc xích từ năm 10 tuổi và đều đặn ăn 3 chiếc mỗi ngày. Khả năng cao, họ sẽ mắc ung thư đại trực tràng sau tuổi 50. Khi đó, tổng số xúc xích mà họ đã ăn để đưa nguy cơ mắc ung thư lên cao gấp rưỡi là 43.800 chiếc, tương đương một thùng xe tải 2 tấn.
Rõ ràng, một chiếc xúc xích có thể là vô hại, nhưng hơn 40.000 chiếc xúc xích sẽ đủ đẩy bạn vào khoa hóa xạ trị ở tuổi trung niên. Vì vậy, lời khuyên dành cho bạn là:
Đừng nên ăn ngần đó xúc xích và bạn sẽ tiết kiệm được hơn 4 tỷ VNĐ (khoảng 300 triệu cho tiền mua 43.800 chiếc xúc xích và 3,7 tỷ VNĐ cho chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân ung thư đại trực tràng trong vòng 5 năm).
***
Thế nhưng, cùng nằm trong danh sách “Tác nhân gây ung thư Nhóm 1” của WHO có một thứ nguy hiểm hơn xúc xích và thịt chế biến. Tác nhân này ám chỉ đến một món ăn mà chỉ cần lỡ cắn một miếng thôi, tại bất kỳ thời điểm nào trong đời, bạn cũng có thể phải ân hận vì không còn cơ hội để làm lại.
Bằng một cách quái quỷ nào đó, món ăn này đã không chịu ảnh hưởng bởi nguyên tắc liều lượng của Paracelsus. Nó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư chỉ sau một miếng cắn.
Các chuyên gia y tế cộng đồng khuyến cáo tất cả mọi người không nên ăn nó. Trớ trêu thay, tại nhiều quốc gia tiểu vùng sông Mekong, bao gồm Thái Lan, Lào và Việt Nam, đây lại là một món ẩm thực truyền thống.
Trong tiếng Thái, nó được gọi là “koi pla“. Người Lào cũng gọi món ăn của họ là “koi paa“, với phát âm tương tự. Trong Tiếng Việt, “koi” có nghĩa là “gỏi” còn “paa” nghĩa là “cá“.
“Kẻ giết người thầm lặng ở Đông Nam Á”, theo cách gọi của các nhà khoa học Phương Tây, chính là món gỏi cá.
Nghiên cứu cho thấy ăn gỏi cá sống là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra Cholangiocarcinoma, một loại ung thư gan cực kỳ ác tính với tỷ lệ tử vong lên tới 91%. Căn bệnh có thể phát triển thầm lặng hàng chục năm sau khi bạn cắn miếng gỏi cá đầu tiên trong đời.
Một nghiên cứu đăng trong Thư viện Y khoa Hoa Kỳ phát hiện hàng trăm cựu binh người Mỹ từng ăn cá sống trong thời gian xâm lược Việt Nam, cuối cùng đã phát triển ung thư Cholangiocarcinoma sau hàng thập kỷ giải ngũ.
Thời gian ủ bệnh trung bình lên tới 40 năm, kể từ cái ngày họ ném lựu đạn xuống một hồ nước ở Huế, bắt những con cá nổi lên và ăn sống chúng.
Gần như không có triệu chứng gì trong suốt những năm tháng sau đó. Vàng da, ngứa và sụt cân chỉ xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Đa số bệnh nhân Cholangiocarcinoma khi phát hiện ra bệnh thì đã không còn có thể điều trị.
Điều cuối cùng mà các bác sĩ có thể làm cho những bệnh nhân này là chăm sóc giảm nhẹ, cho tới khi họ qua đời. Thời gian thường không được quá 6 tháng.
Vì vậy, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc cắn một miếng xúc xích ở cổng trường tiểu học năm 10 tuổi và ăn một miếng gỏi cá tại bất kỳ thời điểm nào đó trong đời. Phải có một thứ gì đó trong món ăn này khiến nó vượt qua được nguyên tắc liều lượng của Paracelsus.
Độc tố từ thực phẩm cần có đủ thời gian để tích lũy, nhưng gỏi cá thì không như vậy. Rốt cuộc, điều gì đã biến món ăn này trở thành “kẻ giết người thầm lặng“, chỉ từ một miếng cắn?
Narong Khuntikeo, một bác sĩ ở Đại học Khon Kaen, Thái Lan đau đớn kể lại. Ông có lẽ là người hiểu rõ nhất sự nguy hiểm của Cholangiocarcinoma, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của cả gia đình từ khi Narong còn là một đứa trẻ.
Với một mối thù với ung thư, Narong lớn lên và thi đỗ vào trường y. Mục tiêu của chàng trai trẻ là học tập thật giỏi để trở thành một bác sĩ phẫu thuật gan, sau đó thì Narong nghĩ, mình sẽ có thể cứu sống những bệnh nhân mắc ung thư giống như cha mẹ mình.
Trớ trêu thay, trường y sau đó đã dạy cho Narong một bài học. Rằng ung thư Cholangiocarcinoma chỉ là hệ quả của một thứ thực sự cướp đi sinh mạng cha mẹ Narong. Trước khi nằm trong gan, mầm bệnh đã nằm trong chính bữa trưa hàng ngày của gia đình họ.
Giống như hàng triệu gia đình ở Isaan, vùng cao nguyên đông bắc Thái Lan được nuôi dưỡng bởi sông Chi và sông Phong, hai nhánh thượng nguồn này cuối cùng đổ vào dòng chính Mekong, gia đình Narong thường xuyên ăn gỏi cá.
Món ăn giá rẻ, dễ dàng chế biến và tận dụng được những nguyên địa phương sẵn có.
Những con cá diếc và chép nhỏ không thể bán được giá ngoài chợ sẽ được mang về nhà, trộn với nước cốt chanh và băm cùng hẹ, giềng, ớt bột. Thêm vào đó hành lá, húng ngò và rau mùi là bạn sẽ có món koi pla thơm nức cực kỳ đưa miệng.
Koi pla có nguồn gốc từ món koi paa của Lào. Nhưng kể từ khi người Lào di cư đến Isaan và định cư hẳn ở đây, món gỏi này đã phục vụ những bữa ăn của họ qua nhiều thế hệ. Cho đến khoảng những năm 1980, người ta đột nhiên phát hiện tỷ lệ mắc ung thư rất cao ở Isaan, tại những ngôi làng gần ao hồ và sông suối.
Điểm chung của các bệnh nhân là họ đều ăn gỏi cá và mắc phải Cholangiocarcinoma, loại ung thư gan phát triển trong đường ống mật.
Là một khu vực rất nhỏ của gan, ống mật rất hiếm khi xuất hiện khối u, vì vậy tỷ lệ mắc Cholangiocarcinoma trên thế giới là rất thấp. Ví dụ như Mỹ, nó được coi là một căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc chỉ khoảng 2-5 trường hợp trên 100.000 dân.
Thế nhưng ở Isaan, con số được đẩy lên gấp từ 20 đến 50 lần. Cứ 100.000 người ở miền đông bắc Thái Lan thì có 100 bệnh nhân mắc Cholangiocarcinoma. Vùng đất bất đắc dĩ trở nên nổi tiếng tại các hội nghị ung thư gan mật, nơi các bác sĩ trên khắp thế giới nhìn về Isaan như nhìn về “thủ đô của căn bệnh”.
Họ chú ý lắng nghe các đồng nghiệp tới từ Thái Lan trình bày nghiên cứu mới, thử nghiệm các phương pháp chẩn đoán và điều trị sớm, chỉ để nhận ra Cholangiocarcinoma hiện vẫn có tiên lượng cực kỳ ảm đạm.
Tại vùng đông bắc Thái Lan, căn bệnh đang cướp đi sinh mạng của 14.000 người mỗi năm, trong đó có cả cha và mẹ của Narong. Chỉ tính riêng Bệnh viện Đại học Khon Kaen, nơi ông làm việc, mỗi năm đã phải tiếp nhận tới hơn 2.000 ca Cholangiocarcinoma mắc mới.
Khoảng 200 bệnh nhân trong số đó còn có thể điều trị, thường là bằng phẫu thuật cắt bỏ gan. 90% còn lại là không thể cứu vãn. Với những trường hợp này, Narong chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, bằng cách dẫn lưu ống mật giúp họ giảm bớt đau đớn, cho đến khi qua đời.
Thời gian sống trung bình của bệnh nhân Cholangiocarcinoma giai đoạn muộn thường không quá 6 tháng.
“Đó là một gánh nặng y tế rất lớn đang đặt lên quê hương tôi, nó ảnh hưởng đến từng gia đình, ảnh hưởng đến trẻ em và toàn xã hội”, Narong nói. “Người ta cứ lặng lẽ chết đi, chấp nhận mà tưởng rằng mình đã đến lúc như những chiếc lá rụng về cội. Không ai biết về nguyên nhân thực sự đã gây ra căn bệnh”.
Hơn 200 nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế trong vòng 20 năm là những gì mà Narong đã làm để hiểu về căn bệnh Cholangiocarcinoma. Các nghiên cứu của ông hiện được trích dẫn tới 4.400 lượt, với chỉ số H=37 (tương đương những người từng đoạt giải Nobel) đã đưa Narong vào nhóm những chuyên gia ung thư gan mật hàng đầu thế giới.
Với vẻ mặt đượm buồn, ông đang thuyết trình về Cholangiocarcinoma tại một hội nghị phòng chống ung thư tổ chức ở miền bắc Thái Lan. Phía sau Narong, trên màn hình chiếu chính kẻ thù đã gây ra cái chết cho cả cha và mẹ ông:
Một thực thể quái dị, sần sùi màu xám nhạt hiện lên màn hình phía sau màn hình như một mầm sống hiểm họa. Tên của nó là Opisthorchis viverrini, một ký sinh trùng thuộc họ sán lá gan phân bố phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Bên dưới kích thước vừa được phóng đại, ngoài đời thực, những con O. viverrini chỉ dài vỏn vẹn 7 mm. Với chiều rộng khoảng 1,5 mm, loài sán này có thể dễ dàng chui vào kẽ vảy của nhiều loài cá như cá trắm, cá trôi, cá mè, cá rô phi…
Tuy nhiên, vật chủ yêu thích nhất của O. viverrini là các loài chép nhỏ như cá diếc.
Narong nhớ hồi nhỏ, bố mẹ ông theo truyền thống của người dân ở Isaan thường băm những con cá diếc mà họ bắt được để làm gỏi. Trong khi băm, những người kỹ tính sẽ nhìn kỹ xuống nền thớt, nếu thấy những con sán nhỏ, trắng như hạt gạo bò ra, họ sẽ nhặt bỏ chúng hoặc nấu chín cá.
Nhưng khi không thấy sán bò ra khỏi thịt, người dân nghĩ rằng đó là cá sạch và có thể ăn sống được. Thế nhưng, điều mà họ không biết là ấu trùng và trứng sán có thể đã lẫn vào gỏi cá. Và ở kích thước chỉ từ 0,2 – 0,02 mm, chúng gần như vô hình dưới mắt người.
Chính những quả trứng sán và ấu trùng O. viverrin nhỏ bé này là thứ đã giết chết cha mẹ Narong, hiện vẫn đang gây ra hàng chục ngàn ca ung thư mắc mới mỗi năm ở miền bắc đất nước.
Tấn bi kịch bắt đầu chỉ từ một khoảnh khắc, khi ai đó đưa miếng gỏi cá nhiễm sán lên miệng và nuốt xuống.
Tại những vùng có sán lá gan lưu hành, một miếng gỏi cá duy nhất đó có thể chứa hàng trăm ấu trùng sán O. viverrini. Những quả trứng và ấu trùng này có một lớp kén bọc bên ngoài gọi là metacercaria, thứ sẽ bảo vệ chúng không bị giết chết khi đi đi vào dạ dày đầy axit.
O. viverrini vì thế có thể nở ra nguyên vẹn trong đường tiêu hóa của bạn, trước khi phát triển thành những ấu trùng có đuôi. Và hãy nhìn vào cái đầu trông giống như chiếc móc chìa khóa của nó. Trên đó có những thụ thể giúp O. viverrini đánh hơi được chất dinh dưỡng.
Nở ra ở trong dạ dày, những con sán này sẽ ngay lập tức bò về đoạn cuối của tá tràng, nơi có một đường ống đang hàng ngày tiết ra 800 ml dịch mật giúp bạn hỗ trợ tiêu hóa. Đối với loài người, dịch mật chỉ là một thứ chất lỏng màu vàng xanh đắng ngắt. Nhưng với sán O. viverrini, mật chính là thức ăn của chúng.
O. viverrini thích mật bởi đó là thứ chất lỏng duy nhất trong dạ dày tạo ra được pH kiềm, thứ bảo vệ chúng khỏi môi trường axit. Hơn nữa, trong mật còn chứa đầy các loại axit amin, cholesterol và lipid giúp sán có thể phát triển và sinh sản.
Loài sán này không có lưỡi, vì vậy, chúng chẳng cần quan tâm dịch mật của bạn có vị đắng khi ăn chúng.
Bây giờ, một khi đã tới được tá tràng, những con O. viverrini chỉ đơn giản bò ngược dòng dịch mật như những con cá hồi bơi ngược dòng để tìm về nơi đẻ trứng. Mất khoảng 1-2 ngày để những ấu trùng này băng qua quãng đường vỏn vẹn 5 cm và tới được gan.
Tại đường ống mật trong gan, ấu trùng sẽ ăn mật để trưởng thành. Mất thêm khoảng 4-6 tuần để ấu trùng sán O. viverrini lớn tới độ bắt đầu sinh sản được và chúng sẽ đẻ trứng.
Narong cho biết mỗi con sán O. viverrini trưởng thành trong gan của bạn có thể đẻ trung bình 500 trứng mỗi ngày. Trứng sán có thể nở ra thành sán con, tiếp tục bám trụ trong đường mật và đường tiêu hóa của bạn.
Số trứng còn lại theo phân đi ra ngoài, và nở thành ấu trùng lây nhiễm lại nguồn nước. Ấu trùng O. viverrini trôi nổi trong nước, nhiễm vào các loài ốc hoặc cá trước khi chúng lại tìm được vật chủ mới là con người.
Một hành trình mới lại bắt đầu, sán lại nở ra trong dạ dày, ấu trùng lại tìm đường để tới được gan. Một khi đã vào được gan người, sán lá gan sẽ bám trụ tại đó trong trung bình khoảng… 25 năm.
Trong 25 năm đó, người nhiễm sán O. viverrini đôi khi sẽ có triệu chứng nhẹ như khó tiêu, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Các triệu chứng diễn ra trong vài ngày rồi biến mất. Chỉ một số ít nhiễm trùng nặng hơn có thể dẫn tới hiện tượng phì đại gan, viêm đường mật, túi mật và xơ hóa.
Trẻ em nhiễm sán lá gan từ nhỏ có thể bị suy dinh dưỡng. Thế nhưng, tới 90-95% người nhiễm O. viverrini không có biểu hiện ra bên ngoài. Tình trạng không thể nhận thấy và cũng không đe dọa tính mạng ngay lập tức khiến nó thường bị lãng quên và không phát sinh nhu cầu điều trị.
Sự nguy hiểm, một lần nữa cần thời gian để tích lũy. Các nghiên cứu cho thấy khi các loài sán lá gan nhỏ tồn tại trong ống mật, nó có thể kích thích tình trạng viêm mạn tính kéo dài ở khu vực này. Viêm sau đó dẫn tới đột biến gen, làm tăng sản tế bào bất thường và cuối cùng trở thành khối u ác tính.
Quá trình này thường kéo dài từ 30-40 năm sau khi nhiễm sán O. viverrini. Trước khi, một cơn đau bụng trên bên phải hành hạ người nhiễm sán, vì khối u ung thư đã lớn đến mức làm tắc ống mật. Phát hiện ở giai đoạn này, đa số bệnh nhân sẽ chỉ còn sống được 6 tháng.
Vì vậy, khác với một chiếc xúc xích vô hại mà bạn ăn ở cổng trường tiểu học, nếu thay vào đó bạn cắn một miếng gỏi cá và bị nhiễm sán O. viverrini, có thể bạn sẽ phải nhận chẩn đoán ung thư gan ở quãng độ 50 tuổi trong cuộc đời mình mà không biết, đó chính là hậu quả của một miếng cá sống duy nhất mà mình từng ăn năm 10 tuổi.
Nguyên tắc liều lượng của Paracelsus đã bị gỏi cá vượt qua, bởi sán O. viverrini không phải là độc chất, bản thân nó là một sinh vật thâm nhiễm vào cơ thể người bệnh.
Độc chất thì không thể tự chúng sinh sản, và sẽ bị cơ thể đào thải. Nhưng O. viverrini, chúng có thể lây nhiễm con người chỉ từ một miếng gỏi cá duy nhất ở liều lượng thấp, sau đó sinh sản để nhân lên trong ống mật và tạo ra liều lượng cao trước khi đủ để gây ra những thiệt hại tích lũy trong hàng chục năm. Bệnh tật từ đó mới phát sinh.
Điều đáng nói là hiện không có bất kỳ phương pháp nào có thể trị được sán O. viverrini. Một khi nó đã chui sâu vào gan và ống mật, các bác sĩ không thể bị tiêu diệt O. viverrini bằng thuốc tẩy giun thông thường.
Một số loại thuốc được sử dụng cho kết quả tẩy sán khỏi đường ruột, nhưng đối với sán trong gan và đã gây ra viêm ở gan, ngay cả khi chúng bị loại bỏ khỏi cơ thể, nguy cơ ung thư Cholangiocarcinoma vẫn tiếp tục tăng lên do các tổn thương trong đường mật mà sán đã gây ra và tích lũy.
Với các bằng chứng từ sự nguy hiểm của O. viverrini, Cơ Quan Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Tế (IARC) đã phân loại ký sinh trùng này vào “Nhóm 1 những tác nhân gây ung thư cho con người” từ năm 1994, cùng nhóm với các loại thịt chế biến, vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày và tia phóng xạ.
Mang trong mình mối thù với O. viverrini, Narong cho biết ông đã hạ quyết tâm trở thành một bác sĩ phẫu thuật gan sau cái chết của cha mẹ mình.
Năm 2013, cùng với một nhóm các nhà khoa học, bác sĩ và nhà nhân chủng học tại Đại học Khon Kaen, Narong đã thành lập CAPCAS, viết tắt từ “Cholangiocarcinoma Screening And Care Program” hay Chương trình Sàng lọc và Chăm sóc Ung thư Đường mật.
Mục tiêu của chương trình là giải quyết tình trạng nhiễm ký sinh trùng O. viverrini ở miền đông bắc Thái Lan, trên toàn đất nước và cả các quốc gia Đông Nam Á lân cận. Trong khoảng gần một thập kỷ, đích thân Narong đã đều đặn mang máy siêu âm, kit xét nghiệm nước tiểu và bộ đọc kết quả cầm tay đi khắp các buôn làng ở Isaan.
Ông cho biết nếu có thể tìm thấy tất cả những người đã nhiễm sán lá gan, họ sẽ được điều trị, chăm sóc và theo dõi phát hiện sớm ung thư Cholangiocarcinoma. Các biện pháp can thiệp sớm sẽ tăng được tỷ lệ sống cho bệnh nhân và cả tỷ lệ lây nhiễm sán lá gan ra cộng đồng.
Tại một ngôi làng, Narong phát hiện tới 80% người dân đã nhiễm O. viverrini. Một phần ba trong số họ có biểu hiện bất thường về gan và 4 người đã mắc ung thư. Nhiều người đã bị sốc chỉ khi các bác sĩ tới và nói món ăn yêu thích của họ là nguyên nhân gây ra căn bệnh.
“Ngày nào tôi cũng đi làm ruộng và buổi trưa tranh thủ bắt một vài con cá sống trong ao cạnh đồng lúa để ăn. Vì đang ở ngoài đồng nên ăn gỏi cá sống rất tiện“, Boonliang Konghakot, một nông dân ở tỉnh Khon Kaen, vừa nói vừa liếm môi khi rắc gia vị vào tô thịt cá hồng vừa mới băm nhỏ.
Kể từ khi có bác sĩ tới và nói về tác hại của gỏi cá, Boonliang thừa nhận anh đã thấy sợ hãi và bắt đầu nấu chín cá để tiêu diệt sán cùng các loại ký sinh trùng.
Thế nhưng, Narong cho biết truyền thống và thói quen của người dân không phải là điều có thể dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều, nhất là với những người già cao tuổi.
“Đôi khi tôi cũng nấu cá lên đấy nhưng đôi khi tôi quên mất“, Jongluck Laonongkwa, một người dân 61 tuổi, nói ngay sau buổi siêu âm của mình. Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy gan của ông ấy đã bị nhiễm sán.
Những chiến dịch tuyên truyền người dân nấu chín cá đang được thực hiện đều đặn tại Thái Lan trong suốt thập kỷ qua. Bất chấp điều đó, vẫn có 10% người dân tiếp tục ăn gỏi cá. Họ nói khi nấu chín, món koi pla sẽ có vị chua và không còn ngon nữa.
Bất chấp nỗ lực tuyên truyền, bác sĩ Narong cho biết vẫn có khoảng 10% người dân tiếp tục ăn gỏi cá. Họ nói rằng nếu nấu chín lên mói gỏi cá của họ sẽ bị chua. Nhiều người thì biện mình rằng: “Ồ nhưng bác sĩ ơi, làm người thì ai mà chẳng chết, có đầy những thứ khác có thể giết chết chúng ta mà”.
“Đó là những câu trả lời với thái độ khiến tôi không thể hiểu và chấp nhận nổi”, Narong than thở trong giờ nghỉ, sau khi vừa làm công tác tuyên truyền tại một vùng nông thôn sùng đạo. “Những người nông dân ở đây vốn tin rằng kể từ khi họ sinh ra, số phận của họ đã được định đoạt, bao gồm cả cái chết của họ”.
Trở về bệnh viện và tiếp tục chứng kiến hàng trăm bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối nằm vô vọng trên bàn mổ khiến Narong hiểu rằng: Cách duy nhất để đẩy lùi căn bệnh là phải ngăn chặn nó xảy ra ngay từ đầu, ông phải ngăn những đứa trẻ 10 tuổi cắn miếng gỏi cá đầu tiên mà cha mẹ làm cho chúng.
Thế là Narong đã trở lại các buôn làng, tập trung hoạt động tuyên truyền nhắm vào những già làng, người lãnh đạo cộng đồng hoặc những người nhận được nhiều tín nhiệm để bắt đầu thay đổi nhận thức từ đó. Trẻ em cũng trở thành nhóm đối tượng được đặc biệt quan tâm.
Một học sinh tiểu học ở Thái Lan đang quan sát mô hình tiêu bản sán lá gan. Bên cạnh đó là các gian trưng bày trò chơi, truyện tranh và phim thiếu nhi tuyên truyền về tác hại của gỏi cá.
Để giúp các em hiểu được sự nguy hiểm của món gỏi cá, nhóm của bác sĩ Narong đã sáng tác rất nhiều bài đồng dao nói về sán O. viverrini. Những bài hát dễ thuộc kèm với phim hoạt hình truyền tải thông tin về vòng đời của sán, từ khi chúng là trứng, biến thành ấu trùng, chui vào thịt cá và rồi nhiễm sang người.
Tại các trường học ở Isaan bây giờ, trẻ em được học kỹ về việc phải ăn chín, uống sôi đồng thời không phóng uế bừa bãi. Bởi một lần nữa, phân của người nhiễm sán có thể phát tán hàng triệu quả trứng vào nguồn nước, sau đó, trứng sán O. viverrini sẽ tiếp tục đi lây nhiễm cá và những người khác.
Hoạt động của Narong và các bác sĩ tại Đại học Khon Kaen cuối cùng đã phát triển thành một chương trình quốc gia sàng lọc và phòng chống ung thư gan ở Thái Lan. Nó đã thu hút được sự tham gia của Bộ Y tế và chính phủ. Sự nguy hiểm của món gỏi cá đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Kết quả, những nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt 10 năm qua của Narong và các cộng sự đã giúp tỷ lệ nhiễm sán lá gan O. viverrini giảm mạnh. Ở một số khu vực trước đây là điểm nóng, chỉ còn khoảng 10% dân số bị nhiễm ký sinh trùng này.
Thế nhưng, một lần nữa, đó có thể là do những bệnh nhân ung thư gan thuộc thế hệ trước đó đã chết, trước khi những đứa con và cháu của họ nhận ra mình không thể ăn gỏi cá sống giống cha mẹ.
Kamphan Sapsombat, một bệnh nhân 71 tuổi, đang được điều trị tại bệnh viện Đại học Khon Kaen vì khối u gan không thể phẫu thuật. Ông ấy đang nằm trên giường bệnh với làn da và tròng mắt vàng vọt, những biểu hiện rõ ràng của tình trạng tắc ống mật.
Bên ngoài phòng điều trị chăm sóc giảm nhẹ, con gái ông Kamphan nói rằng cha của cô đã ăn gỏi cá cả đời. Kể từ khi ông phát hiện mình mắc bệnh, những người còn lại trong gia đình mới chuyển sang nấu chín cá.
Có lẽ đó là bài học lớn nhất mà những người trẻ ở vùng núi Thái Lan này học được, rằng nếu còn tiếp tục truyền thống ăn gỏi cá, họ rồi cũng sẽ có kết cục không mấy tốt đẹp giống như thế hệ cha mẹ mình.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://genk.vn/mon-an-co-the-khien-ban-mac-ung-thu-chi-tu-mot-mieng-can-2023112212411442.chn