Protein
Protein có thể giúp bài tiết axit uric, kiểm soát các yếu tố phản ứng viêm, giảm đau và giúp kiểm soát cân nặng. So với gạo thì bột mì trắng có hàm lượng protein cao hơn và phù hợp hơn đối với axit uric cao.
Ngoài ra, các sản phẩm từ sữa có chứa các protein, có lợi cho việc chống viêm và hạ axit uric. Đối với bệnh nhân tăng axit uric máu, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc sữa không đường là một lựa chọn tốt.
Kali
Kali có thể thúc đẩy quá trình bài tiết axit uric và giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Các loại rau như dưa chuột, cà chua, rau diếp và các loại rau khác không chỉ ít calo, giàu nước, có tác dụng lợi tiểu, mà còn giàu kali, magie, canxi và các nguyên tố vi lượng khác rất có tác dụng làm giảm axit uric trong máu. Do đó người bệnh tăng axit uric máu có thể ăn những loại rau này với lượng vừa đủ.
Ngoài ra, các loại rau củ giàu tinh bột như khoai tây, khoai môn, khoai mỡ, củ sen và hạt dẻ cũng rất giàu kali, bệnh nhân tăng axit uric máu có thể dùng các loại thực phẩm này để kiểm soát axit uric trong máu.
Vitamin C
Hấp thụ vitamin C vừa phải có thể giúp tăng đào thải urat và giảm nồng độ axit uric trong máu. Người bệnh tăng axit uric máu nên tăng cường ăn các loại trái cây như táo, cam, chanh, kiwi, thanh long… một cách thích hợp.
Các loại rau củ giàu vitamin C như ớt xanh, cà chua, bắp cải, súp lơ, cải xoăn và các loại rau khác có thể giúp giảm axit uric trong máu, ngăn ngừa bệnh gút.
Chất xơ
Chất xơ có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, tăng cảm giác no, giúp giảm cân, ổn định lượng đường trong máu. Đồng thời, ngăn ngừa các hội chứng chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu và béo phì, tránh axit uric cao.
Bệnh nhân tăng axit uric máu nên tăng cường ăn các loại rau lá xanh giàu chất xơ như bắp cải, rau diếp…các loại trái cây như táo, lê, lựu… ngũ cốc như kiều mạch, yến mạch và ngô, giúp ổn định axit uric trong máu và ngăn ngừa rối loạn chuyển hóa.