Hệ thống quan trắc không khí của Hà Nội phủ một màu đỏ thể hiện chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu, có 4 nơi mức rất xấu, sáng 27/12.
9h, cả 35 trạm quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều hiển thị AQI mức 100-300, tương đương mức kém đến rất xấu. Trong đó chủ yếu ở mức xấu, 4 trạm đo chỉ số AQI ở mức rất xấu gồm 36 Lý Thái Tổ – Hoàn Kiếm 239; đường Phạm Văn Đồng – Bắc Từ Liêm 212; Cầu Diễn – Nam Từ Liêm 204, Tứ Hiệp – Thanh Trì 202. Chỉ số AQI đang có dấu hiệu tăng khi càng về trưa.
Với AQI ở mức rất xấu, cơ quan môi trường cảnh báo nhóm người bình thường nên hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời. Nếu cần thiết phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Với nhóm người nhạy cảm, nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.
Cùng lúc này hệ thống tổng hợp chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ ba trên thế giới với chỉ số tổng hợp là 204, trong đó trạm tại Tây Hồ cao nhất 239. Trang này dự báo, ngày mai khi tốc độ gió tăng lên 18 km/h, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ giảm đáng kể.
Trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt tại Hà Nội hiển thị AQI là 273, ở mức rất xấu. Hệ thống tổng hợp thiết bị quan trắc chất lượng không khí cá nhân Pam Air ghi nhận hàng chục điểm chỉ số AQI vượt 300, tương đương cảnh báo nguy hiểm, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Theo hệ thống này, cá biệt có điểm đo tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh chỉ số AQI lên 413, quận Thanh Xuân 379, Đội Cấn (Ba Đình) 376.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng, hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do WHO quy định.
Dữ liệu ghi lại từ bản đồ vệ tinh còn cho thấy ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2), do ảnh hưởng của khí hậu, hướng gió và việc đốt rơm rạ.
Khoảng 1/3 bụi PM 2.5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, Đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm vận chuyển xuyên biên giới.
Các chuyên gia môi trường đánh giá thời tiết Hà Nội những ngày gần đây trời quang mây, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi để ô nhiễm không khí gia tăng.
Hồi cuối tháng 11/2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi diễn biến ô nhiễm không khí để kiểm soát nguồn thải cũng như khuyến cáo người dân.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khong-khi-ha-noi-o-muc-rat-xau-4693876.html