Là một trong những card đồ họa có hiệu năng mạnh nhất thế giới hiện nay (với giá bán dao động quanh ngưỡng 60 triệu đồng ở Việt Nam), RTX 4090 cũng là một mẫu card đồ họa thuộc dạng ‘ngốn điện’ bậc nhất. Theo đó, RTX 4090 nói riêng và thế hệ GeForce RTX 4000 của Nvidia đều sử dụng dây cáp nguồn 12VHPWR mới, với thiết kế 12+4 chân (pin). Đây là loại dây cáp nguồn mới, được sử dụng để chuyển đổi nhiều dây cắp nguồn PCIe 8-pin sang chuẩn ATX 3.0 mới và cho phép truyền dẫn nguồn điện công suất lên tới 600W tới GPU.
Tuy nhiên, bản thân loại dây cáp nguồn này lại mang tới rất nhiều vấn đề cho người dùng, đơn cử như trình trạng dây bị nóng chảy do quá nhiệt khi cắm vào RTX 4090, hoặc thậm chí là đầu nối 16 pin trên card cũng bị chập cháy.
Đây cũng là lý do vì sao hãng sản xuất nguồn máy tính (PSU) nổi tiếng Seasonic mới đây ra đã ra khuyến cáo người dùng về các biện pháp phòng ngừa sự cố trên. Theo đó, hãng này đã hướng dẫn người dùng nên dùng máy sấy tóc ‘uốn cong’ dây cáp nguồn 12VHPWR trong quá trình lắp đặt GPU.
Được biết, khuyến cáo này đăng tải từ trang hỗ trợ chính thức của Seasonic, với bài viết có tiêu đề “Hướng dẫn cho cáp 12VHPW / 12V-2×6 và RTX 4xxx. Trong bài, hãng Seasonic đã đăng tải hình ảnh minh họa cách uốn cáp 12VHPWR / 12V-2×6 đúng cách sao cho không có quá nằm gần với đầu nối 16-pin trên card.
Để có thể uốn cong dây cáp một cách chính xác như vậy, Seasonic khuyên người dùng sử dụng máy sấy tóc ở mức nhiệt nhẹ sấy trực tiếp vào chỗ cần uốn dây cáp. Bên cạnh đó, người dùng cũng phải thực hiện quá trình uốn này khi cáp nằm ngoài vỏ case và không được kết nối với PSU hoặc GPU của bạn. Người dùng cũng không nên lắp đặt hệ thống cáp điện cho đến khi bạn thực hiện xong công việc uốn cong cần thiết, chưa kể phải lắp đặt hệ thống cáp rất cẩn thận sau đó.
Dây cấp nguồn bị cháy do người dùng cắm chưa chặt?
Trước đó, Nvidia khẳng định vấn đề dây cấp nguồn 12VHPWR bị nóng chảy xảy ra do người dùng “cắm dây cáp không chặt một cách tuyệt đối”. Khi dây cáp bị cắm lỏng lẻo, nhiệt độ điểm tiếp xúc sẽ tăng lên nhanh chóng, dẫn tới hiện tượng dây bị nóng chay. Cũng theo Nvdia, tình trạng này chỉ diễn ra với một số ít người dùng, tức chỉ khoảng 50 trường hợp RTX bị hỏng hóc vì dây cáp nguồn 12VHPWR được ghi nhận trên toàn cầu, theo tuyên bố của hãng này vào thời điểm tháng 11/2022.
Tuy nhiên, hãng sửa chữa máy tính Northridge Fix (California, Mỹ) mới đây khẳng định số lượng card đồ họa RTX 4090 bị hỏng dây cấp nguồn lớn hơn nhiều so với tuyên bố của Nvidia. Trong một video YouTube gần đây, một thợ sửa chữa tại Northridge Fix tuyên bố rằng hãng này nhận được từ 20 đến 25 chiếc RTX 4090 có dây cáp điện bị cháy mỗi tuần, tức khoảng 100 chiếc phải sửa mỗi tháng. Đoạn video không đề cập đến việc doanh nghiệp này đã sửa RTX 4090 gặp lỗi nóng chảy trong bao lâu, nhưng con số của nó vượt xa con số 50 trường hợp mà Nvidia thừa nhận một năm trước.
Bản thân Northridge Fix cũng bác bỏ tuyên bố của Nvidia về việc dây cấp nguồn 12VHPWR bị nóng chảy vì người dùng cắm chưa chặt, khi số lượng RTX 4090 bị hỏng là quá nhiều. Trong khi đó, một số người dùng, bao gồm cả nguyên đơn trong vụ kiện tập thể chống lại Nvidia năm ngoái, tuyên bố đã lắp đặt đúng cáp nguồn của họ. Điều này cho thấy chất lượng của dây cấp nguồn 12VHPWR tồn tại một lỗi về thiết kế.
Theo TechSpot, vấn đề bắt nguồn từ các các adapter (bộ chuyển đổi) ban đầu mà Nvidia cung cấp kèm theo RTX 4090 để người dùng có thể lắp cáp 8-pin từ bộ cấp nguồn ATX 2.0 cũ hơn vào ổ cắm 16-pin của card. Vào tháng 9 năm 2022, PCI-SIG – đơn vị đứng ra đặt tiêu chuẩn cho các chuẩn kết nối trên PC – cảnh báo rằng các bộ chuyển đổi có thể đạt đến nhiệt độ không an toàn trong một số tình huống cụ thể. Tuy nhiên Nvidia cho biết họ đã khắc phục sự cố trước khi GPU hàng đầu của hãng ra mắt.
Bản thân hãng này sau đó đã ‘âm thầm’ ra mắt bộ adpter 12V-2×6 mới sau đó, vốn khiến số lượng phản ánh RTX 4090 bị hỏng dây cắp nguồn giảm đáng kể. Các thử nghiệm của bên thứ ba xác nhận rằng các đầu cắm mới duy trì nhiệt độ tương đối thấp ngay cả khi được lắp đặt không đúng cách.
Theo TechSpot, những người sử dụng cáp cũ cũng nên cân nhắc nghiêm túc việc lắp đặt RTX 4090 với PSU đạt chuẩn ATX 3.0, vốn hỗ trợ đầu nối 16-pin mà không cần cắm thêm adapter, vốn nhiêu khê. Chưa kể đến, việc đầu tư mua PSU mới vẫn có chi phí thấp hơn so với việc phải bảo hành hoặc mua mới GPU đắt đỏ như RTX 4090.
Sắp tới, Asus đang thử nghiệm một giải pháp lâu dài hơn – GPU thay thế cáp cấp nguồn bên ngoài bằng đầu nối nguồn PCIe x16 có sẵn trên bo mạch chủ. Hệ thống cấp nguồn không dây này hỗ trợ ít nhất 600W và GPU RTX 4070 sử dụng nó sẽ xuất hiện vào đầu năm 2024.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://genk.vn/hang-san-xuat-nguon-pc-khuyen-cao-nguoi-dung-su-dung-may-say-toc-de-uon-cong-cap-nguon-rtx-4090-truoc-khi-lap-dat-20231226141419247.chn