Lo ngại chuyển tuyến cuối năm
Giữa tháng 12 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh (ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) đi khám sau khi có biểu hiện bị phù chân. Khi đi khám, chị được phát hiện chỉ số tiểu cầu cao bất thường, nghi ngờ ung thư máu. Chị được chuyển viện từ bệnh viện huyện, rồi sau đó lại bệnh viện tỉnh trước khi được chuyển tuyến lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – là một bệnh viện tuyến cuối về các bệnh về máu – để điều trị.
Tại đây, chị được khám chuyên sâu và chọc tủy để đánh giá nguy cơ ung thư và thuộc diện phải theo dõi định kỳ. Tuy nhiên, giấy chuyển tuyến khám chuyên khoa chỉ có tác dụng 2 lần và chị đã sử dụng hết. Chị có hẹn tái khám lần 3 vào ngày 28.1.2024. Để được hưởng bảo hiểm 80% cho khám ngoại trú tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chị lại phải quay về Thanh Hóa, đi khám từ đầu rồi mới có thể xin giấy chuyển tuyến.
Hiện mệt nên chị đang ở lại nhà người quen ở Hà Nội để nghỉ ngơi. Nghĩ về việc phải quay ngược hơn 200km về quê khám và xin giấy chuyển tuyến trong thời điểm cuối năm, đi lại đông đúc khiến chị càng thêm mệt.
“Không chỉ có tôi đâu, một số người đồng bệnh của tôi cũng vậy. Họ có BHYT tại trạm y tế xã nên phải xin từ cấp xã sau đó chuyển lên tuyến huyện, tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh rồi mới xin chuyển từ tỉnh lên được Trung ương. Dù bệnh của họ đủ điều kiện điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhưng mỗi năm một lần, năm nào cũng quay về xin lại giấy, đi ngần ấy nơi, làm đủ ngần ấy bước, rất mất thời gian và vất vả” – chị Thanh chia sẻ.
Còn ông Bùi Mạnh Lâm (61 tuổi, ở Hà Đông) vừa phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với bệnh lý viêm tụy cấp. Với bệnh lý này, ông phải điều trị ít nhất 7 ngày. Song điều ông lo lắng là BHYT của ông sắp hết hạn vào ngày 29.12 này do gia đình chưa kịp đi gia hạn. Ông lo lắng không biết liệu có được BHYT thanh toán hay không.
Giảm bất tiện khi xin giấy chuyển tuyến
Thời điểm cuối năm, người bệnh thường có những băn khoăn về thủ tục hành chính liên quan đến BHYT: Đang điều trị theo hẹn và có giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, sang năm mới cần làm thủ tục gì để tiếp tục được hưởng BHYT? Người đang được hưởng chế độ miễn cùng chi trả BHYT trong năm có được tiếp tục hưởng quyền lợi này khi sang năm tiếp theo?
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết: Theo phản ánh của người dân, hiện nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như ung thư khi điều trị ở tuyến trên, có lịch hẹn tái khám. Nhưng khi đến lịch khám, họ buộc phải quay về tuyến dưới để xin giấy chuyển tuyến. Với thủ tục phiền hà, dù không có điều kiện kinh tế, nhiều người vẫn từ bỏ xin giấy chuyển tuyến, thậm chí bỏ tái khám gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Bộ Y tế đã có Chỉ thị 25 ban hành năm 2020, trong đó, các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng theo bà Trang là Bộ Y tế đang nghiên cứu để có những thủ tục đơn giản hơn trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến. “Thay vì lãnh đạo ký thì có thể phân cấp cho các khoa phòng để người dân không phải chờ đợi” – bà Trang nêu giải pháp.
“Hiện Nghị định 75 vừa ban hành cũng đã có quy định liên quan giấy hẹn tái khám, trong đó có các giải pháp như nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng 10 ngày, có thể liên hệ cơ sở khám để có giấy hẹn khác để không phải chờ đợi” – bà Trang nói thêm.
Ngoài ra, sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và khám lại.
Hiện là thời điểm cuối năm, bà Trang cho hay, đối với các văn bản khám chữa bệnh như giấy chuyển tuyến, giấy khám lại, các cơ sở sẽ cấp luôn trong năm nay, chứ không phải chờ đến tháng 1.2024 mới ký.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, một số điạ phương đã có chính sách tạo điều kiện. Như Bảo hiểm xã hội TPHCM đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện: Về giấy chuyển tuyến các trường hợp bệnh mãn tính, cần thông báo cho người bệnh BHYT bổ sung giấy chuyển tuyến năm 2024 nếu tiếp tục điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 1.1.2024 theo quy định.
Với những trường hợp bệnh mãn tính giấy chuyển tuyến được cấp từ sau ngày 25.12.2023 được sử dụng hết năm dương lịch 2024.
Những trường hợp bệnh mãn tính điều trị ngoại trú có bệnh án có giấy chuyển tuyến có giá trị đến hết ngày 31.12.2023 nhưng chưa kết thúc đợt điều trị thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị, nhưng không vượt quá ngày 10.1.2024. Sau đó, bệnh nhân phải bổ sung giấy chuyển tuyến mới cho năm 2024.