Kazuki Matsuyama, 39 tuổi, do dự trước quyết định nghỉ để chăm sóc con bởi sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, tiền bạc và sự thăng tiến.
Nhưng cuối cùng, ông bố của hai đứa trẻ một và ba tuổi vẫn quyết định nghỉ việc. “Giấc ngủ và tinh thần của vợ xuống dốc khiến tôi ở thế mắc kẹt giữa công việc và gia đình”, Kazuki nói. Anh cảm nhận tình cảm vợ chồng đứng trên bờ vực tan vỡ.
Người đàn ông làm việc ngành truyền thông kỹ thuật số thuộc đoàn điện tử Omron có trụ sở ở TP Kyoto, đã không nghỉ phép khi đứa con đầu lòng chào đời.
Anh chỉ cảm nhận được sự vất vả trong lần sinh nở thứ hai của vợ, quyết định nghỉ để làm việc nhà và chăm sóc các con. “Trải nghiệm quý giá sẽ theo tôi suốt đời”, Kazuki nói.
Paternity leave thuật ngữ chỉ quyền nghỉ phép của những người chồng khi vợ sinh nở đã từng bị chỉ trích ở Nhật Bản, nơi quyền lực giới tính được thiết lập theo cách truyền thống.
Trước đó, chiến dịch có tên ikumen kéo dài một thập kỷ nhằm nâng cao vai trò chăm sóc con cái của đàn ông cũng đã thất bại.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản năm 2022 cho thấy 52,4% doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhân lực để thay thế những người nghỉ thai sản dù theo luật, người cha có thể nghỉ thai sản 4-8 tuần. Họ có thể ở nhà chăm sóc con cho đến khi đứa trẻ tròn một tuổi với mức lương giảm nhưng được miễn thuế. Đồng thời, các công ty cũng buộc phải cho nhân viên có con dưới ba tuổi thời gian làm việc ngắn hơn.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ phụ nữ nghỉ thai sản là 80,2% trong khi các ông bố ở mức 17,1%. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông muốn tăng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2025 và 85% năm 2030.
Các tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng đang nỗ lực thực hiện điều này. “Gã khổng lồ” lĩnh vực đồ uống Suntory và tập đoàn Fujitsu đang kéo dài thời gian nghỉ thai sản chăm sóc trẻ em.
Trong khi đó, tập đoàn Omron đã bắt đầu chương trình hỗ trợ phụ nữ sinh con bị ảnh hưởng bằng cách cho họ hưởng trợ cấp và nghỉ việc cả năm. Các phụ huynh được phép nghỉ giữ trẻ cho đến khi con họ lên hai tuổi.
Panasonic chấp nhận cho nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn với lý do như nuôi dạy con cái. Tính đến tháng 3/2023, tỷ lệ các ông bố nghỉ thai sản chiếm 64,8%. Giám đốc nhân sự Hideki Sugiyama đã làm gương bằng cách nghỉ thai sản chăm sóc con 200 ngày. “Tôi từng nghĩ mình đã làm nhiều thứ cho gia đình nhưng nhận ra nó vẫn chưa đủ”, ông nói.
Công ty xây dựng Daiwa House đã hỗ trợ nhân viên 7.000 USD cho mỗi trẻ sơ sinh từ năm 2005. Năm 2022, họ có 62,2% nhân viên nam nghỉ thai sản và đặt mục tiêu 80% vào năm 2026.
Anh Shohei Ikeda, 33 tuổi, trưởng bộ phận IT đã từng lo lắng về việc nghỉ một tháng khi con đầu lòng chào đời. “Tôi tự hỏi liệu mọi người có ghét tôi không”, anh nói. “Nhưng nếu không được hỗ trợ, gánh nặng sẽ đổ dồn lên vai vợ tôi và sức khỏe cô ấy sẽ tệ đi đáng kể”.
Shohei Ikeda tin rằng trẻ em rất nhạy cảm với sự mệt mỏi của cha mẹ. Anh cảm thấy buồn nếu làm con mình phải lo lắng.
Đầu 2023, công ty thương mại điện tử Itochu đã ra lệnh cấm nhân viên làm việc sau 20h trừ khi có họp đột xuất. Họ bố trí thêm không gian chăm sóc trẻ em ở công ty mang tên I-Kids. Sau nỗ lực khuyến khích, Itochu có 52% ông bố “chịu nghỉ” với thời gian trung bình 36 ngày.
James Loginov, 39 tuổi, là người Anh đảm nhận vị trí giám đốc truyền thông tiếp thị của Ricoh. Anh đã nghỉ phép chăm con một tháng dù vợ anh, một giáo viên người Nhật liên tục khuyên điều này sẽ gây cản trở cho sự nghiệp của James.
Tuy nhiên, James không thay đổi quyết định. “Vợ tôi đã quá vất vả khi phải làm mọi thứ”, anh nói. “Thật hạnh phúc khi có thể nhìn các con lớn lên từng ngày”.
Ngọc Ngân (Theo Straitstimes)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhat-ban-can-nhung-ong-bo-nghi-thai-san-4692888.html