Một số đơn vị vận hành cao tốc cho rằng mức trần phí đi trên cao tốc cho xe dưới 12 chỗ chỉ 2.100 đồng mỗi km là thấp, cần điều chỉnh.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hiện có mức phí 2.000 đồng mỗi km đối với xe tiêu chuẩn, xe dưới 12 chỗ. Hợp đồng BOT quy định 5 năm được tăng phí một lần 20%, song mức phí nói trên giữ nguyên từ khi khai thác năm 2015 đến nay. Từ 29/12, cao tốc sẽ điều chỉnh mức phí lên 2.100 đồng/km với xe tiêu chuẩn theo phương án thống nhất với Cục Đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên theo đơn vị quản lý tuyến đường, mức phí sẽ tăng còn thấp so với phương án tài chính đã ký kết giữa các bên. “Đáng lẽ mức phí trên cao tốc này cần tăng lên 2.400 đồng/km với xe tiêu chuẩn, nhưng chỉ dừng ở mức 2.100 đồng/km do đây là mức trần theo quy định hiện hành”, đại diện đơn vị quản lý nói.
Theo thông tư 28/2021, mức trần thu phí kín trên cao tốc đối với xe dưới 12 chỗ không vượt quá 2.100 đồng/km; mức vé lượt xe dưới 12 chỗ không vượt quá 52.000 đồng, qua hầm không vượt quá 110.000 đồng/vé.
Đại diện Vidifi – đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng đánh giá mức trần hiện hành với xe tiêu chuẩn khá thấp. Mặc dù hợp đồng dự án BOT cho phép nhà đầu tư 3-5 năm có thể điều chỉnh phí, song giá trần khống chế ở mức thấp khiến nhà đầu tư không thể điều chỉnh phí theo phương án tài chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn hiện có mức phí 2.100 đồng mỗi km với xe dưới 12 chỗ, đạt tối đa khung giá nên không nằm trong nhóm 41 dự án BOT được tăng giá từ 29/12. Đại diện đơn vị vận hành nói một dự án BOT có vòng đời vài chục năm nên cần áp dụng lộ trình tăng mức phí theo phương án tài chính đã ký kết giữa các bên.
PGS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ (Varsi), cho biết thời gian qua cơ quan này nhận được nhiều ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT đường bộ về việc điều chỉnh phí đường bộ. Hiệp hội đang lấy ý kiến để kiến nghị chính thức với Bộ Giao thông Vận tải.
Theo ông Chủng, giá trần theo thông tư 28/2021 (áp dụng theo thông tư 35 năm 2016) quy định mức 2.100 đồng một km với xe tiêu chuẩn đã áp dụng gần 10 năm, cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, với các dự án BOT, doanh nghiệp dự án cần cho phép điều chỉnh phí theo lộ trình trong hợp đồng giữa các bên, không phải chờ đợi sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
“Các dự án BOT hạ tầng không thu hút được nhà đầu tư tham gia một phần do cơ chế, nhà đầu tư không được điều chỉnh phí theo hợp đồng khiến phương án tài chính dự án bị ảnh hưởng”, ông nhận xét.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này đã tiếp thu ý kiến của một số doanh nghiệp và giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động của khung giá dịch vụ đường bộ tại các dự án BOT, cao tốc.
Từ 29/12, giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí sẽ điều chỉnh tăng từ 15-20% so với mức hiện tại, trong đó có các dự án quốc lộ 5A, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, hầm Đèo Cả…
Nguồn tin: https://vnexpress.net/don-vi-van-hanh-muc-tran-phi-duong-bo-cao-toc-con-thap-4693011.html