Tập đoàn KIDO (KDC) vừa công bố việc đưa 4 SKUs của ngành hàng gia vị Tường An ra mắt người tiêu dùng gồm: Nước mắm cá cơm Tường An 40 Độ đạm – Đậm đà ; Nước mắm cá cơm Tường An 32 Độ đạm – Hài hòa ; Hạt nêm Tường An Unicook sườn non, xương ống và nước cốt thịt hầm; Hạt nêm Tường An Unicook nấm hương và 3 loại rau củ .
Đây là động thái nằm trong chiến lược xây dựng và trở thành Tập đoàn số 1 trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, sau khi KDC công bố thương vụ M&A đầu tư 68% cổ phần vào Thọ Phát.
Về thị trường, tại Việt Nam, hầu hết các món ăn từ xưa đến nay, từ truyền thống đến hiện đại của người Việt đều không thể thiếu gia vị đi kèm. Hay trong thói quen nấu nướng của người Việt, những loại gia vị như dầu ăn, nước mắm, nước tương, hạt nêm những loại gia vị đóng gói sẵn tiện lợi khác… đã trở thành một phần không thể thiếu để chế biến các món ăn.
Mặt khác, Việt Nam với gần 100 triệu dân, diện tích đất trồng lớn, cùng nghề đánh bắt hải sản làm nước mắm đã tạo nên sự đa dạng cho gia vị Việt, đưa gia vị trở thành một ngành hàng đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi Euromonitor International, quy mô thị trường ngành hàng gia vị năm 2022 của Việt Nam đạt 35.707 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD). Trong đó, nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô đạt 15.214 tỷ đồng. Cũng trong báo cáo này, ngành hàng gia vị được dự báo sẽ đạt 40.812 tỷ vào năm 2026.
Sức hấp dẫn của thị trường gia vị đã thu hút hàng loạt tập đoàn quốc tế vào Việt Nam với nhiều sản phẩm nổi bật như hạt nêm Knorr (Unilever, Anh), Aji-ngon (Ajinomoto, Nhật Bản), Miwon (Đài Loan), Maggi (Nestlé – tập đoàn thực phẩm và thức uống lớn nhất thế giới, trụ sở Thụy Sĩ)…
Nước mắm trở thành thị trường cạnh tranh khốc liệt bởi hàng loạt thương hiệu như Thuận Phát, Nam Ngư, Chinsu, Thuyền Xưa, Liên Thành, Hạnh Phúc, 584 Nha Trang, Hồng Hạnh…
Các hũ gia vị mang thương hiệu DhFoods thời gian này cũng trở nên quen thuộc với gian bếp của nhiều gia đình, trong đó có muối tôm, muối ớt xanh Tây Ninh, muối ớt chanh Nha Trang, muối tiêu lá chanh, xốt chanh dây chua ngọt, mắm nêm cá cơm…
Ra mắt thị trường trong giai đoạn này, KDC sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập tại từng khu vực/ thị trường, cùng với đó là đội ngũ nhân sự, hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thiết yếu sẵn có, Kênh MT, cùng với các kênh mua sắm hiện đại, nền tảng thương mại điện tử, trong đó có E2E – Kênh giải trí mua sắm, xúc tiến thương mại hàng đầu trên nền tảng TikTok để lan tỏa hình ảnh và mang những sản phẩm mới của Tập đoàn đến gần hơn với người tiêu dùng.
Là “tân binh”, song KDC rất tự tin bởi kinh nghiệm 30 năm trên thị trường, dẫn đầu ngành dầu do đó có thể am hiểu khẩu vị người Việt. Công ty cũng có hệ thống phân phối sẵn và những thương hiệu lớn ghi dấu như Tường An, Vocarimex…
Được biết, các sản phẩm nước mắm và hạt nêm, Tường An sẽ chính thức “lên kệ” tại các hệ thống phân phối của Tường An từ ngày 25/12/2023.
Theo giới thiệu, các sản phẩm nước mắm và hạt nêm của Tường An được sản xuất từ những nguồn nguyên liệu tự nhiên. Đơn cử, dòng nước mắm cao đạm cá cơm Tường An được ủ chượp theo phương pháp truyền thống từ 100% cá cơm tươi Phú Quốc. Trong đó, nhà máy sản xuất nước mắm Tường An đạt chứng nhận FSSC 22000 và đặc biệt là đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ.
Trước khi ra mắt, KDC đã có khảo sát. Dựa trên kết quả khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Intage VietNam vào T9/2023 cho thấy trên 90% người tiêu dùng cho rằng họ yêu thích sản phẩm nước mắm cá cơm Tường An ngay từ lần thử đầu tiên. Song song đó, kết quả nghiên cứu từ Công ty Intage VietNam vào T7/2023 cũng chỉ ra rằng hơn 90% người tiêu dùng yêu thích sản phẩm Hạt nêm Tường An Unicook ngay từ lần thử đầu tiên.
Nguồn tin: https://cafef.vn/kido-chinh-thuc-ban-nuoc-mam-va-hat-nem-nhay-vao-nganh-gia-vi-hon-15-ty-usd-cung-cac-dai-gia-masan-unilever-nestle-ajinomoto-18823122510534847.chn