Bỏ tiền triệu tiêm vaccine cho con
Chị Nguyễn Thị Huyền (36 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) vừa đưa con gái 3 tháng tuổi đi tiêm vaccine 6.1 và phế cầu. Do vaccine 5.1 trong tiêm chủng mở rộng hết, trạm y tế hướng dẫn chị đợi nhưng lo lắng sức khỏe cho con, chị phải đưa bé đi tiêm vaccine dịch vụ.
Tại trung tâm tiêm chủng dịch vụ, chị được tư vấn tiêm thêm vaccine phế cầu, uống rota. Trong đó, vaccine phế cầu giúp phòng ngừa các bệnh như hội chứng viêm não màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính. Rota là loại vaccine có tác dụng phòng tránh nguy cơ nhiễm virus rota – một trong số những loại virus là nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.
Với đồng lương ít ỏi của giáo viên mầm non, chị Huyền phải chắt chiu chi tiêu để đủ tiền đưa con đi tiêm dịch vụ. Tổng 2 loại vaccine 6.1 và phế cầu lần này khiến chị tốn hơn 2 triệu đồng.
Một tuần sau, khi đủ tiền chị sẽ đưa bé quay lại để uống vaccine rota với giá hơn 700.000 đồng. Trong khi đó, đây đều là vaccine cần nhắc lại. Để tiêm hết các mũi và những loại vaccine cần thiết, chị Huyền phải chi mức phí hơn 20 triệu đồng.
Gánh nặng càng lớn hơn với những gia đình sinh đôi. Mới đây, chị Nguyễn Thị Hằng ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, cũng đưa 2 bé sinh đôi đi tiêm chủng dịch vụ. Với 2 vaccine phế cầu và rota cho cặp sinh đôi, hai vợ chồng phải thanh toán 3,5 triệu đồng. Chưa kể, một tháng sau phải đi tiêm nhắc lại.
Vaccine thứ 11 được đưa vào tiêm chủng mở rộng
Trao đổi với Báo Lao Động, bà Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – cho hay, Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15.8.2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 sẽ có các loại vaccine được bổ sung vào tiêm chủng mở rộng gồm: Rota (năm 2024), phế cầu (năm 2025), HPV (năm 2026) và cúm mùa (2030). Tức trong tương lai gần, các loại vaccine này sẽ được tiêm miễn phí tại Việt Nam.
Hiện muốn tiêm cho trẻ các loại vaccine này, phụ huynh phải đưa con đi tiêm dịch vụ với chi phí không hề nhỏ, tạo gánh nặng tài chính cho các gia đình.
Trong số vaccine này, rota sẽ được bổ sung để triển khai sớm nhất, trở thành vaccine thứ 11 trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.
Bà Hồng cho hay, vaccine phòng bệnh tiêu chảy do rota virus được Bộ Y tế giao cho chương trình tiêm chủng mở rộng đưa vào từ năm 2023. Hiện Bộ Y tế đang sửa thông tư 38 để đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Để triển khai một loại vaccine mới trên khắp cả nước cần được chuẩn bị chu đáo, xây dựng các hướng dẫn, tập huấn trên quy mô toàn quốc” – bà Hồng thông tin.
Theo đó, vaccine rota sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh thành. Dự kiến quý I/2024 sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ y tế để cho các cháu trong độ tuổi uống vaccine. Cuối năm 2024, Bộ Y tế sẽ mở rộng phạm vi triển khai, để đến năm 2025 có đủ vaccine triển khai cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, nguồn vaccine rota sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ có 20% do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, còn lại 80% sẽ mua sắm vaccine sản xuất trong nước.
“Hiện Bộ Tài chính đang phê duyệt giá, dự kiến quý 1 sẽ hoàn thiện thủ tục mua sắm cùng với các loại vaccine sản xuất trong nước khác” – bà Hồng thông tin.