Những vùng đau xương khớp phổ biến khi mang thai
Đau khớp cùng chậu/hông: Các khớp cùng chậu (SI) nằm ở nơi xương cùng gặp xương chậu. Các khớp này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng đỡ cơ thể và phân bổ trọng lượng khắp xương chậu.
Đau thắt lưng hoặc đau lưng dưới: Đau thắt lưng hoặc đau lưng dưới được kích hoạt bởi sự giãn ra của dây chằng vùng xương chậu.
Đau đầu gối: Một số người bị đau khớp gối do tăng cân.
Đau khớp mu/đau khớp xương chậu: Bạn có thể cảm thấy đau ở vùng xương chậu ở trung tâm phía trước xương mu, ở lưng dưới hoặc vùng đáy chậu. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng hơn gọi là rối loạn chức năng khớp mu.
Nguyên nhân gây đau khớp khi mang thai
Tử cung đang phát triển
Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), khi tử cung của người phụ nữ mở rộng sẽ làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, đồng thời kéo căng và làm suy yếu cơ bụng. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, sự thay đổi trọng tâm của cơ thể sẽ tạo ra sự căng cơ và đau thắt lưng ở một số vị trí khác.
Tăng cân
Khi mang thai, việc tăng cân không chỉ xảy ra ở vùng bụng. Khi tử cung của bạn mở rộng, các bộ phận khác trên cơ thể mẹ bầu cũng vậy. Tăng cân, đặc biệt là quanh hông, gây thêm căng thẳng cho xương và khớp, gây đau ở những vùng đó khi ngủ, ngồi hoặc đi lại.
Xuất hiện hormone thai kỳ
Nguyên nhân chính gây đau hoặc mềm dây chằng khớp là do hormone thai kỳ (Relaxin và Progesterone). Relaxin là một loại hormone mà cơ thể bạn tiết ra khi mang thai, làm tăng tình trạng lỏng lẻo của dây chằng. Khi điều này xảy ra, một số khớp mất đi sự ổn định khiến chúng có cảm giác lỏng lẻo khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Vấn đề về tư thế
Mang thêm trọng lượng ở phía trước cơ thể sẽ thay đổi tư thế của mẹ bầu. Khi em bé lớn lên, cơ thể sẽ có sự phân bổ lại trọng lượng vùng quanh bụng. Điều này có thể dẫn đến đau ở hông và lưng dưới.
Các nguyên nhân khác
Các chuyên gia ở Đại học Sản phụ Hoa Kỳ cho hay, một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn nhưng đáng lo ngại hơn là những tình trạng như chứng giãn cơ giao cảm vùng mu. Theo đó, khi điều này xảy ra, xương mu sẽ tách ra khi mang thai hoặc khi sinh con, điều này có thể gây đau đớn đáng kể cũng như đi lại khó khăn.
Những phương pháp làm giảm chứng đau khớp khi mang thai
Sử dụng đai nịt bụng
Carolyn Cokes – bác sĩ sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế Mercy (Hoa Kỳ) – gợi ý, các mẹ bầu nên đeo đai nịt bụng, bắt đầu từ giữa đến cuối tam cá nguyệt thứ ba để hỗ trợ vùng bụng khỏi các cơn đau do giãn dây chằng tròn.
Luyện tập thể dục đều đặn
Thực hiện tập thể dục thường xuyên khi mang thai có thể giúp các mẹ bầu giữ dáng, giữ cơ bắp khỏe mạnh và giảm đau khớp. Đối với tất cả các loại đau khớp, mẹ bầu nên tập yoga, pilates và đi bơi trước khi sinh, đặc biệt là có thể cùng thực hiện 3 hoạt động trong suốt thai kỳ.
Thay đổi tư thế ngủ và chườm nóng lên vùng đau nhức
Nếu lưng dưới của bạn bị đau, bạn nên ngủ nghiêng với một chiếc gối giữa hai chân. Ngoài ra, trước khi đi ngủ, nếu tắm nước ấm với muối Epsom cũng như đặt miếng đệm sưởi ấm lên hông, đầu gối hoặc lưng dưới có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm, thuyên giảm các cơn đau nhức (không chườm nhiệt trực tiếp lên bụng bầu).
Cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
Bác sĩ có thể khuyên mẹ bầu nên sử dụng ngắn hạn một loại thuốc không kê đơn (OTC) như acetaminophen để giúp kiểm soát cơn đau khớp khi mang thai. Tuy nhiên, cần cân nhắc khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen trong tam cá nguyệt thứ ba vì nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến em bé.
Các mẹ bầu cần luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc OTC hoặc thuốc nào trong thời kỳ mang thai.