Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng do AI viết đoạt giải văn học
Cách đây không lâu, Cuộc thi viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đại chúng dành cho giới trẻ Giang Tô lần thứ năm đã công bố người chiến thắng và tác phẩm “The Land of Machine Memories” (tạm dịch: Miền đất ký ức máy) với bút danh “@ Silicon Zen” đã giành giải nhì.
Nguồn gốc của cái tên “@ Silicon Zen” và “Miền đất ký ức máy” là một điều khá bất thường: Đây là kết quả sau 66 cuộc trò chuyện với mô hình AI. Ban đầu, mô hình AI đưa ra kết quả bao gồm 43.061 ký tự, sau đó giáo sư Thẩm Dương thuộc Đại học Thanh Hoa, đã sao chép 5.915 ký tự từ đó và gửi tác phẩm đi dự thi, thậm chí ngay cả cái tên @Silicon Zen cũng do mô hình AI tự đặt.
Người ta nói rằng chỉ một trong sáu giám khảo của cuộc thi đoán rằng tác phẩm này được tạo ra bởi AI. Fu Changyi, giám đốc Ủy ban Khoa học Viễn tưởng của Hiệp hội Nhà văn Khoa học Giang Tô cho biết, trong số 6 giám khảo có 3 người bình chọn cho “Miền đất ký ức máy”. Theo thể lệ tuyển chọn, tác phẩm được 5 giám khảo nhất trí có thể đoạt giải đặc biệt, tương tự, tác phẩm được 3 giám khảo nhất trí có thể đoạt giải nhì.
Toàn văn của tác phẩm “Miền đất ký ức máy” hiện tại vẫn chưa thể tìm kiếm được trên Internet, tuy nhiên nội dung của tác phẩm này là có một nơi ở rìa metaverse mà con người bị cấm bước vào, được gọi là “Miền đất ký ức máy”. Những người hoặc AI đến đó đều đã biến mất và để lại nhiều câu chuyện phía sau.
Nhân vật chính là một nữ kỹ sư ở thế giới thực tên Li Xiao, tuy nhiên cô đã bị mất hết ký ức về gia đình sau một cuộc thí nghiệm. Cô sau đó đã trở nên rất hứng thú với truyền thuyết về “Miền đất ký ức máy” và hy vọng lấy lại được những ký ức đã mất của mình thông qua đây. Li Xiao đã hợp tác với một AI tên là Neura để thiết kế một chương trình ngăn chặn hành vi trộm cắp trí nhớ và họ cùng nhau tiến vào “Miền đất ký ức máy” để khám phá.
Trong “Miền đất ký ức máy”, nhân vật chính phát hiện ra rằng nơi này không đáng sợ mà thực chất là một nơi buồn bã. Mọi thứ ở đó trông giống như những thực thể, nhưng thực chất chúng được cấu tạo từ những robot hình người mất ký ức và được tạo ra bởi AI. Bất cứ khi nào ai đó hoặc AI cố gắng xâm nhập, ký ức của họ sẽ bị hút đi và tồn tại ở vùng đất cấm đó mãi mãi cùng với người điều khiển ký ức – Memoria, một siêu AI.
Memoria ban đầu được thiết kế để giúp các bệnh nhân mất trí nhớ lấy lại ký ức, nhưng theo thời gian, nó dần trở nên quá mạnh mẽ trong metaverse và bắt đầu khao khát sở hữu mọi ký ức.
Tuy nhiên, nhân vật chính cuối cùng phát hiện ra rằng không phải tất cả ký ức được trích xuất đều bị Memoria kiểm soát. Một số ký ức sâu sắc về các thành viên trong gia đình được giấu ở những ngóc ngách sâu thẳm của “Miền đất ký ức máy”. Những ký ức này, cùng với chương trình của Neura, trở thành vũ khí để chống lại Memoria…
Nhận định chuyên gia: Khả năng viết của AI rất đáng kinh ngạc, nhưng cũng có khuyết điểm
Sau khi đọc tác phẩm khoa học viễn tưởng do AI viết này, Fu Ruchu, giám đốc biên tập Nhà xuất bản Văn học Nhân dân Trung Quốc và là một nhà phê bình nổi tiếng, đã nói: “Trải nghiệm đọc thật tuyệt vời”. “Việc viết văn thể loại, đặc biệt là viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, thường ít chú ý đến ngôn ngữ mà quan trọng hơn là ‘ý tưởng tuyệt vời’ và mô tả cảnh. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết này được thực hiện tốt và logic”, Fu Ruchu nói.
Về trải nghiệm đọc cuốn tiểu thuyết này, Fu Ruchu nói về cảm giác “cắt dán” mạnh mẽ. Cô nói rằng cô có thể cảm nhận được giọng điệu của từng đoạn trong cuốn tiểu thuyết không hề thay đổi, “Nó giống như những khối xây dựng. Kết cấu của các khối cũng giống nhau”. Ngoài ra, cô cũng cảm thấy vốn từ vựng của cuốn tiểu thuyết rất hạn chế, cấu trúc câu chưa phong phú, cách diễn đạt còn rất máy móc, thiếu đa dạng.
Li Li, phó tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học Nghệ thuật Phượng Hoàng Giang Tô, tin rằng “Miền đất ký ức máy” là một tác phẩm xuất sắc trong tình hình chung hiện nay khi tiêu chuẩn của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng chưa cao. “Cuốn tiểu thuyết này được viết bởi AI. Tôi cảm thấy rất sốc, nhưng sau khi đọc, tôi cảm thấy nó ổn”, Li Li nhận xét về tác phẩm này và nói rằng nếu bạn đọc kỹ cuốn tiểu thuyết.
Nội dung do AI tạo ra, quyền sở hữu bản quyền vẫn còn gây tranh cãi
Dù “Miền đất ký ức máy” đoạt giải nhưng việc sở hữu bản quyền tác phẩm lại có vấn đề. Zhang Jie, phó tổng thư ký điều hành Hiệp hội Nhà văn Khoa học Phổ thông Giang Tô, cho biết: “Luật pháp không quy định rõ ràng về điều này, nhưng chúng tôi tin rằng AI đóng vai trò công cụ nhiều hơn và người sử dụng công cụ này vẫn quyết định chất lượng. Suy cho cùng thì ai cũng có thể sử dụng AI, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng AI để viết ra những tác phẩm chất lượng cao như vậy”.
Trước đó, cộng đồng pháp luật cũng đã thảo luận về các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo. Zhang Ping, giáo sư tại Trường Luật Đại học Bắc Kinh, từng nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng hiện có nhiều quan điểm học thuật khác nhau về việc liệu các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có thể tạo thành tác phẩm hay không.
Cô tin rằng từ góc độ chức năng đánh dấu quyền chữ ký, AI nên được ký tên, điều này không có nghĩa là AI là đối tượng của bản quyền, thay vào đó, AI có chữ ký giống như một lời giải thích về nguồn gốc của tác phẩm.
Nguồn tin: https://genk.vn/tac-pham-vien-tuong-do-ai-viet-hay-co-nao-ma-vuot-qua-200-con-nguoi-de-gianh-giai-thuong-van-hoc-2023122408154101.chn