Chính phủ vừa có nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy ( SBIC ).
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua kế hoạch tổ chức thực hiện chủ trương xử lý đối với SBIC theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị trong việc xử lý với doanh nghiệp này. Việc xử lý theo hướng phá sản đối với công ty mẹ – SBIC và 7 công ty con; thu hồi phần vốn của công ty mẹ – SBIC tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Yêu cầu đặt ra trong quá trình phá sản SBIC đó là thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.
Đối với Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (bao gồm các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn), Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024.
Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, thu hồi phần vốn góp của công ty mẹ – SBIC. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu triển khai từ quý II/2024.
Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam ( Vinashin ) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu, Chính phủ yêu cầu tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản, quyền tài sản của Công ty mẹ – SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện phá sản, chuyển nhượng vốn. Thời gian dự kiến triển khai từ quý II/2024.
Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ; đề xuất với Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để ban hành kịp thời các hướng dẫn, cơ chế, chính sách nhằm xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý phá sản tại SBIC và 7 công ty con.
Bộ Giao thông vận tải được giao phối hợp với các cơ quan, liên quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý SBIC. Đồng thời, chỉ đạo Hội đồng thành viên SBIC tiếp tục xử lý các doanh nghiệp thành viên còn lại phù hợp với tình hình thực tế.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu về thực hiện quyền chủ nợ đối với khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại SBIC và các khoản nợ thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ nợ khác đối với Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng thực hiện quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay trong quá trình thực hiện phá sản SBIC theo quy định của pháp luật.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trước đây có tên gọi là Vinashin. Sau khi lâm vào cảnh thua lỗ, tập đoàn này thực hiện tái cơ cấu và đổi tên thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Nguồn tin: https://cafef.vn/sap-trien-khai-thu-tuc-pha-san-sbic-va-7-cong-ty-con-188231223191821743.chn