Nhà văn Di Li cho rằng do tập quán làng xã lâu đời, nhiều người Việt thích ngủ chung giường, dùng chung đồ “cho vui”.
Mùa hè năm ấy, tôi có chuyến công tác phải đi qua vịnh Baltic bằng tàu biển. Con tàu có 12 tầng, chở nhiều khách du lịch đủ mọi quốc tịch. Tôi bất chợt nổi máu Sherlock Holmes bằng cách đoán quốc tịch của từng nhóm khách trong nhà ăn. Đám trẻ con cao lớn tóc bạch kim kia chắc người Thụy Điển. Nhóm khách ngồi ăn chậm rãi trong im lặng chắc người Đức. Hai anh chị da rám nắng ăn mặc xuềnh xoàng đang ngồi uống cà phê dứt khoát là người Australia. Gặp một chị phụ nữ châu Á nổi quạu khi bị anh bạn cùng đoàn tôi giẫm vào chân, tôi đoán người Hàn Quốc chứ không phải Nhật Bản hay Trung Quốc. Thậm chí, khi nhìn thấy một bàn ăn không người còn ngổn ngang bát đĩa tôi kêu lên “Chắc chắn có một đoàn khách Trung Quốc vừa ngồi đây”. Dễ lắm, chỉ cần căn cứ vào những lòng đỏ trứng gà tròn vo bỏ nguyên trên bàn là đoán ngay ra được (người Trung Quốc thường ăn lòng trắng trứng mà bỏ lòng đỏ). Sau hỏi ra thấy mọi suy đoán là đúng hết.
Có người hỏi vui: “Thế người Việt Nam thì có đặc điểm gì?”. Tôi không dám trả lời câu này vì sợ các anh chị trong đoàn, hay chính mình chạnh lòng. Chả nhẽ nói rằng “Cách nhận biết người Việt giữa đám đông rất dễ, vì họ luôn đứng tụm vào nhau thành một nhóm lớn. Họ cứ đứng im đó mà không di chuyển đi đâu cả”. Có người phản biện rằng đó là do chúng ta sợ bị lạc, do không tự tin khi đi ra nước ngoài. Tôi đồ rằng không phải như vậy, mà người Việt chúng ta có một tập quán vừa dễ thương, vừa dễ ghét là tính quần thể cao, hay cũng chính vì cái tính quần thể đó mà tất thảy chúng ta đều mắc phải cái sự mặc cảm, tự ti khi ra thế giới, thậm chí không hòa nhập được với thế giới.
Chúng ta đặc biệt thích dùng chung nhiều thứ, những thứ mà người phương Tây không muốn, không thể chung được là chung bát nước chấm, chung lược chải đầu, chung giường, chung ghế, chung lối đi, chung nguồn nước, chung nhà vệ sinh, chung đủ thứ chung. Từ tập quán văn hóa làng xã lâu đời, các gia đình ở nông thôn dù đất có rộng mấy vẫn thích sống co cụm trong quần thể. Nhà có con nhỏ thì đêm đến con nằm giữa, bố mẹ nằm hai bên. Gia đình hai con thì thậm chí bốn người chung một giường. Nhà nào có việc thì cả đám phụ nữ trong làng xúm vào làm chung bếp. Nét văn hóa đó cũng có điều tốt đẹp. Tuy nhiên, nó để lại một nếp sống thâm căn cố đế ăn sâu từ ngàn đời mà cho đến tận thế kỷ 21 vẫn được duy trì ở các thành phố lớn.
Rất nhiều gia đình hiện nay còn tồn tại thói quen cho con cái ngủ chung giường, cho dù không phải thiếu diện tích ở. Từ cái “chung” thuở đầu đời đó, “chung” từ lúc mới mở mắt nên toàn dân sẽ phát triển nhiều thói quen “tập thể” khác.
Trong các lớp học công lập ở Việt Nam hiện nay, từ bậc mẫu giáo đến đại học vẫn duy trì loại bàn ghế cho nhiều người ngồi. Nghĩa là bàn dài, ghế dài để có thể ngồi chung từ hai đến năm người. Điều này hoàn toàn ngược lại với các nước tiên tiến khác, khi mà học sinh đến trường luôn được phân mỗi em một bàn. Không phải do chúng ta thiếu chỗ mà chỉ do tập quán mà thôi. Đến độ, nhiều khi các lớp học vắng người, chỗ còn thừa cho hai chục người nữa, nhưng học viên từ trẻ đến già đều thích ngồi dồn năm, sáu người một bàn (cái bàn chỉ đủ sức chứa cho bốn người), cho vui. Dù trời nóng đến vã mồ hôi thì vẫn cứ thích chen chúc trong một bàn, để mặc các bàn khác bỏ không.
Thậm chí, khi đi vệ sinh (chứ không phải đi xem phim hay ăn tiệc), người Việt cũng có thói quen rủ nhau cùng đi cho vui. Có người nếu không rủ được ai đi cùng thì đành đoạn cố nhịn chứ nhất định không chịu đi một mình.
Có một điều khiến người nước ngoài rất ngạc nhiên về chúng ta là sự “thân mật giữa những người cùng giới tính”…
…Người phương Tây cho rằng nam nữ chung phòng thì là bình thường, nhưng nam với nam hoặc nữ với nữ thì là khác thường. Do đó, khi đi công tác hoặc du lịch, người Việt rất sẵn lòng chia sẻ chiếc giường đôi cho một người bạn cùng giới, còn người phương Tây thì không bao giờ. Cái việc mà họ không bao giờ làm thì chúng ta lại rất vui vẻ nằm cùng cho vui. Thậm chí, hai người chung nhau một chiếc giường đơn cũng chẳng thấy phiền toái gì. Mới hè năm ngoái tôi đi công tác Phúc Kiến (Trung Quốc) cùng đoàn các nhà quản lý giáo dục. Phía nước bạn tiếp đón rất thịnh tình, nghỉ bất cứ khách sạn nào đều dành cho mỗi người một phòng suit room, loại rộng cả trăm mét vuông có kèm phòng khách. Giá phòng ước chừng cũng 200 USD/đêm. Nhưng tối đến tất cả chị em bàn nhau chuyển phòng sang ở cùng cho vui. Phòng nào cũng chỉ có một giường đôi. Thì ngủ chung giường có sao, còn hơn ở một mình vừa sợ ma, vừa trống trải. Các chị đã lớn tuổi đều bảo “Từ thuở bé đến giờ mình chưa ngủ một mình một phòng bao giờ. Không quen. Bé thì ngủ với bố mẹ, lớn ngủ với chồng, bữa nào chồng đi công tác thì rủ con sang ngủ cùng”. Vậy là đoàn mười người mà đến năm phòng bỏ trống không, trong khi các chị chịu khó chen chúc nhau trên chiếc giường chung chật hẹp…
…Tập tục “dùng chung cho vui, cho thân ái” này dẫn đến việc trở thành thói quen, thói quen thì khó bỏ, không thực hiện được thói quen đó thì thấy khó chịu, thấy không thoải mái. Điều đó dẫn đến việc chúng ta ít chịu làm việc gì một mình mà không có người khác làm cùng. Chúng ta không dám giơ tay phát biểu trong lớp học hay trong cuộc họp, không dám mình mình hành động một kiểu. Chúng ta không dám một mình vào nhà hàng, một mình vào rạp chiếu phim hay một mình đi du lịch (điều mà người phương Tây cho là bình thường còn ta cho là kỳ dị). Từ đó chúng ta trở nên mặc cảm, tự ti bất cứ khi nào “một mình”, thành thử làm gì cũng phải rủ người cho yên tâm. Chúng ta cũng rất khó hòa nhập trước một cộng đồng lạ, khó làm việc theo nhóm. Và điều đó lý giải vì sao tính cộng đồng, tính quần thể không phải khi nào cũng tốt.
Phần 1.Phần 2. Phần 3. Hết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trich-tat-xau-nguoi-viet-phan-cuoi-dung-chung-4690650.html