Tuy nhiên, xu hướng giá lại biến động khó đoán, có thời điểm tăng mạnh lên mức đỉnh một năm, nhưng có thời điểm lại giảm sâu xuống đáy 18 tháng. Bước sang năm 2024, sẽ có 3 yếu tố chính ảnh hưởng mạnh nhất tới xu hướng giá xăng dầu bao gồm: rủi ro địa chính trị, tác động của OPEC+ và bài toán tăng trưởng nhu cầu.
“SỨC NÓNG” Ở TRUNG ĐÔNG VẪN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG TỚI GIÁ DẦU
Xung đột Israel – Palestine nổ ra tại khu vực Trung Đông, tuy không “rung chuyển” thị trường dầu mỏ thế giới nhưng cho thấy rủi ro thường trực từ yếu tố địa chính trị. Cuộc xung đột hiện vẫn mang tính cục bộ, nhưng bất cứ dấu hiệu leo thang nào cũng có thể kéo Mỹ và Iran sử dụng quyền lực dầu mỏ của mình.
Hơn nữa, Trung Đông cũng là khu vực vận chuyển xăng dầu huyết mạnh của thế giới, trong đó có eo biển Hormuz thuộc quyền kiểm soát của Iran, nơi có tới 1/4 lượng dầu toàn cầu đi qua.
Nhiều thông tin cho rằng 2024 là năm rủi ro chính trị cao nhất trong một thập kỷ. Thị trường sẽ cần cảnh giác trước các đợt tăng giá dầu bất ngờ nếu giao tranh nghiêm trọng hơn.
Điểm tích cực là thị trường dầu đã có nhiều thay đổi. Cường độ sử dụng dầu của nền kinh tế, được đo bằng số thùng dầu cần thiết để tạo ra 1 đơn vị GDP, đã giảm 60% kể từ năm 1973, từ 1 thùng dầu/1.000 USD trong GDP xuống còn 0,4 thùng.
Nhận định về tác động này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Trung Đông ngày nay chỉ chiếm 35% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, so với mức 55% vào năm 1980.
Dự trữ xăng dầu của các nước OECD có thể đáp ứng nhu cầu trong hơn hai tháng, và OPEC có công suất dự phòng hơn 4 triệu thùng/ngày. Do đó, nếu xung đột không mở rộng phạm vi thì biến động giá dầu tăng có chăng cũng sẽ chỉ mang tính thời điểm”.
QUYỀN LỰC MỀM NẰM TRONG TAY OPEC+
Một trong những nhân tố khác ảnh hưởng mạnh nhất tới nguồn cung dầu trong năm 2024, đó là quyền lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Cuối năm 2023, cuộc họp OPEC+ đã đi đến quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng dầu/ngày cho đến hết quý I/2024, trong đó gồm 1,3 triệu thùng/ngày được gia hạn từ Saudi Arabia và Nga.
Tính chất “tự nguyện” khiến thị trường hoài nghi về mức độ tuân thủ. Tuy nhiên, nếu các thành viên OPEC+ cắt giảm theo đúng cam kết, khoảng 900.000 thùng dầu/ngày sẽ biến mất khỏi thị trường. Trong báo cáo tháng 12, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán thâm hụt 800.000 thùng dầu/ngày trong quý đầu năm sau. Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent ở khoảng 80 – 100 USD/thùng với kịch bản này.
Trong khi đó, các công ty khoan dầu Mỹ sẽ chỉ tăng chi tiêu vốn 2% vào năm 2024, so với mức tăng 19% trong năm 2023, cho thấy tốc độ sản xuất dầu đá phiến có thể chậm lại sau khi đạt kỷ lục. Do vậy, Mỹ sẽ khó bù đắp khoảng trống OPEC+ để lại như những gì đã làm để hạ nhiệt giá dầu năm qua.
SUY GIẢM KINH TẾ VÀ BÀI TOÁN NHU CẦU CHI PHỐI GIÁ
MXV cho biết so với nguồn cung, nhu cầu trong năm 2024 mới là yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn tới biến động giá dầu. Xu hướng giá sẽ còn tùy thuộc vào kịch bản tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn.
Quỹ Tiền tệ IMF cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3% còn 2,9% trong năm 2024. OECD nhận định con số sẽ giảm xuống 2,7% từ mức 2,9%. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng sẽ từ 2,7% trong 2023 còn 2,6% năm 2024.
Nhìn chung, đa số các tổ chức đều thể hiện quan điểm rằng nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng yếu hơn trong năm 2024. Điều này sẽ hạn chế nhu cầu xăng dầu. Trung Quốc, vốn được nhận định đóng góp vào 70% tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới, được dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 500.000 thùng dầu/ngày trong năm sau, chưa bằng 1/3 mức tăng trưởng năm 2023.
DỰ BÁO TRÁI CHIỀU VỀ XU HƯỚNG GIÁ NĂM 2024
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, giá xăng dầu năm 2024 sẽ biến động khó đoán theo cả hai chiều. Rủi ro địa chính trị và bàn tay can thiệp của OPEC+ có thể đẩy giá tăng trong ngắn hạn, nhưng nhu cầu yếu sẽ tạo sức ép không nhỏ. Các tác động tới thị trường xăng dầu trong năm dường như sẽ tiếp tục phân cực. Đây cũng là lý do mà các tổ chức lớn đưa dự báo trái chiều về mức giá dầu trung bình năm 2024.
Nói cách khác, “sóng vẫn chưa yên, biển vẫn chưa lặng” là những gì mô tả thị trường xăng dầu toàn cầu năm 2024. Đối với Việt Nam, xu hướng giá xăng dầu trong nước cũng sẽ biến động sát diễn biến giá quốc tế. Do đó, công tác dự báo, kiểm soát giá và đảm bảo nguồn cung nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định thị trường.
Điểm tích cực trong năm 2023 đó là công tác điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam đã đảm bảo phù hợp với diễn biến thế giới, ổn định và hạn chế biến động trong nước vào các thời điểm giá dầu tăng cao.
Mới đây, Chính phủ cũng đã chính thức ban hành Nghị định số 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, thực hiện vào thứ Năm hàng tuần, giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới. Thời gian điều hành ngắn hơn cũng giúp cơ quan điều hành quản lý rủi ro tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây biến động thất thường.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thi-truong-xang-dau-nam-2024-lieu-da-het-song-gio.htm