Vừa qua, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND thành phố có chỉ đạo về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng lại chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, trong năm 2023, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 2215/QĐ-UBND về việc kiện toàn Tổ Công tác trên địa bàn với 14 thành viên, do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng. Đến nay, Tổ Công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để giải quyết các nội dung còn tồn tại, vướng mắc tại các dự án sử dụng vốn đầu tư công và các dự án không sử dụng vốn ngân sách TP.HCM. Kết quả, có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ Công tác.
GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC TRONG XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, UBND các quận và thành phố Thủ Đức thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (dựa trên phương án do chủ đầu tư lập và đã thực hiện hoàn tất các thủ tục theo quy định) đối với những dự án chưa được phê duyệt trước khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo nội dung đã ủy quyền, phân công tại Quyết định số 2786/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của UBND TP.HCM về ủy quyền, phân công cho UBND các quận và thành phố Thủ Đức thực hiện các thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình thực hiện, UBND các quận và thành phố Thủ Đức gặp khó khăn, vướng mắc, tổng hợp báo cáo, đề xuất sở, ngành hướng dẫn giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ.
Theo đó, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng hướng dẫn quy định về pháp luật nhà ở đối với các nội dung thuộc về nhà chung cư nhiều tầng như: Hệ số K (bồi thường) để quy đổi diện tích căn hộ mới; xác định giá trị căn hộ được bồi thường trong trường hợp người dân nhận tiền tự lo nơi ở mới; diện tích hành lang, cầu thang, lối đi chung; diện tích sân chung, khuôn viên; căn hộ thuộc sở hữu nhà nước…
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn theo pháp luật đất đai đối với các nội dung thuộc về nhà ở riêng lẻ thấp tầng và thủ tục đất đai, bao gồm: đơn giá bồi thường, đơn giá bồi thường vật kiến trúc; xử lý đối với đất đường giao thông, đất công trình công cộng (nếu có)…
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ UBND các quận và thành phố Thủ Đức, trong quá trình tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B, 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.
Trong đó, có 4/14 chung cư cấp D bị hư hỏng nặng được tháo dỡ hoàn toàn. Ngoài ra, có 199 chung cư xây dựng trước năm 1975 được cải tạo, sửa chữa với tổng mức đầu tư gần 276 tỷ đồng.
Về việc sửa chữa, TP.HCM đặt chi tiêu đến năm 2025, hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016 – 2020, với kinh phí dự kiến 500 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên hiện nay, do chưa được bố trí vốn nên chưa có chung cư nào được cải tạo, sửa chữa.
THÊM 3 DỰ ÁN ĐƯỢC THÁO GỠ PHÁP LÝ
Theo UBND TP.HCM, Tổ công tác đã tổ chức 5 cuộc họp để tháo gỡ cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của tổ công tác, gồm: dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát; dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần VTHouse và Công ty Cổ phần Tâm Giao; dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Hiện, TP.HCM vẫn còn 12 dự án đang được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, gồm: dự án tại số 3A – 3B Tôn Đức Thắng (quận 1); dự án Căn hộ Lê Thành Tân Tạo 2 (Bình Tân); tổ hợp cao ốc thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại đường Ba Tháng Hai (quận 11); dự án khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ khách sạn tại số 428 – 430 Nguyễn Tất Thành (quận 4)…
Trong đó, có hai dự án đang được tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư là Moonlight Centre Point (quận Bình Tân) và Metro Star (thành phố Thủ Đức).
Đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc, thông báo đến các nhà đầu tư để nghiên cứu đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
UBND thành phố cũng có báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu tháo gỡ khó khăn theo đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng liên quan đến 30 nội dung kiến nghị về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và nhà ở thương mại. Trong đó, có 18 nội dung đã được các bộ, ngành có ý kiến hướng dẫn, 12 nội dung còn lại tiếp tục đề xuất. Ngoài ra, có thêm 9 kiến nghị mới được các sở, ngành bổ sung.
Đến nay, UBND TP.HCM đã làm rõ các vướng mắc và chỉ đạo giải quyết 16 dự án trên địa bàn. Đối với 20 dự án còn lại, các sở, ngành vẫn đang tiếp tục rà soát pháp lý để xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/cuoi-nam-tp-hcm-go-vuong-cho-loat-du-an-bat-dong-san.htm