Bệnh viện Ung bướu TPHCM mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh ung thư, ung bướu đến khám và điều trị. Trong số đó, có không ít bệnh nhi dù tuổi đời rất nhỏ nhưng đã mang trong mình căn bệnh ung thư, bướu to quái ác.
Nguyễn Trà Mi (tên nhân vật đã được thay đổi – PV) mới 9 tuổi nhưng đã quá quen với khung cảnh bệnh viện. Suốt 5 năm qua, em phải trải qua nhiều đợt xạ trị vì căn bệnh ung thư máu giai đoạn 1.
Chia sẻ về hành trình đầy nước mắt của con, chị Hà Trang – mẹ Trà Mi – không giấu nổi cảm xúc ngày nhận tin sét đánh về sức khỏe của con. Thời điểm đó, Trà Mi mới bắt đầu vào lớp 1, đi học được 1 tháng, những cơn đau bụng liên tục hành hạ khiến em không thể tập trung học tập. “Cô ơi, con đau, cho con xin về đi bệnh viện” là câu nói kéo dài suốt nhiều năm qua của em.
“Thời điểm mới phát hiện bệnh, cháu sống với nhà nội ở ngoài Bắc, sau đó tôi quyết định đưa con vào đây điều trị. Từ Bệnh viện Nhi đồng 2, con được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TPHCM thì may mắn đáp ứng thuốc. Nhưng lần này con đang bị tái phát đợt 3 nên phải nhập viện trở lại”, chị Hà Trang chia sẻ.
Ngoài số lượng bệnh nhi mắc ung thư tăng, số lượng bệnh nhi bị các khối bướu kích thước lớn cũng tăng nhiều so với trước.
Đơn cử vào tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vừa phẫu thuật thành công một ca bướu máu khổng lồ tại gan ở trẻ sơ sinh 9 ngày tuổi. Đó là trường hợp bé gái sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 2.300 gram. Bé được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng nặng, ghi nhận có khối bướu ở gan. Khối bướu được phát hiện khi mẹ mang thai 21 tuần.
Sau khi được thăm khám và thực hiện nhiều khảo sát hình ảnh, các bác sĩ nhận định bệnh nhi có khối tổn thương trong gan trái, có nhánh thông nối động mạch – tĩnh mạch gan trái và gan giữa.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong 2 giờ với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa khác nhau. Bệnh nhi đã hồi phục rất nhanh sau mổ và được xuất viện ở ngày hậu phẫu thứ 11.
Liên quan đến vấn đề ung thư, ung bướu ở bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Kỳ Vĩnh Thọ – Khoa Nhi, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM – cho biết, bệnh ngày càng trẻ hoá.
Đơn cử, Bệnh viện Ung bướu hiện điều trị cho các ca bệnh nhi mắc ung thư đại tràng, ung thư vú… Đây là các bệnh thường gặp ở người lớn nên khi phát hiện ở trẻ nhỏ đa phần bị nặng vì mọi người không nghĩ tới và số lượng các trường hợp như vậy ngày càng tăng.
Một điều đặc biệt, đối với trẻ bị nặng khi được chỉ định điều trị hoá trị, trẻ thường dễ đáp ứng thuốc. Tuy nhiên, chính vì đa phần nặng nên bệnh cũng diễn tiến nhanh, thậm chí là tử vong sau một thời gian ngắn phát hiện bệnh.
Cũng theo bác sĩ Thọ, khi sử dụng thuốc điều trị ung thư, ung bướu tác dụng phụ lên bệnh nhi khác nhiều so với người lớn, vì cơ thể của trẻ đa phần còn non nớt, chưa hoàn chỉnh. Về sinh lý trẻ dễ bị tổn thương, giảm máu; về tâm lý cũng ảnh hưởng. Ví dụ, nếu quá trình điều trị nhìn thấy bé khác diễn biến nặng, thậm chí mất thì tâm lý trẻ còn lại sẽ dễ bị ảnh hưởng.