Xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức để cải cách tiền lương từ giữa năm 2024 là việc rất khó, bởi bộ máy biên chế cồng kềnh, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.
Chiều 20/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành nội vụ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói việc xây dựng đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức để cải cách tiền lương “đang rất hot”. Tuy nhiên, việc này rất khó, trước hết bởi cách làm “hơi dồn dập”.
Theo lý thuyết, nếu muốn xây dựng vị trí việc làm và bản mô tả vị trí công việc cần xuất phát từ yêu cầu công việc. Sau khi có các vị trí sẽ sắp xếp người phù hợp. Tuy nhiên, do bộ máy quá cồng kềnh, nhiều biên chế nên bản mô tả vị trí việc làm phải làm sao để không xung đột, chồng chéo. “Đây là vấn đề rất khó”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Khó khăn tiếp theo là nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang thị trường nên việc chuyển đổi các vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức không thể đột ngột. Cơ chế cho các bộ ngành hoạt động cần xoay chuyển từ từ để phù hợp với từng người, từng nhà, từng địa phương.
Phó thủ tướng mong muốn Bộ Nội vụ quyết tâm hoàn thiện đề án vị trí việc làm với tinh thần không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh. Mục tiêu hoàn thiện đề án trước 31/3/2024, để ba tháng tiếp theo sẽ xây dựng phương án trả lương, đảm bảo cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2024.
Theo quy định của Chính phủ năm 2020, căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức dựa trên nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Có hai cách phân loại vị trí việc làm. Đầu tiên là theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm. Cách thứ hai là phân loại theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ.
Bộ Nội vụ cho biết có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã.
Sau khi hoàn thành sắp xếp, từ ngày 1/7/2024, công chức, viên chức được trả lương theo vị trí việc làm tương xứng năng lực, khối lượng công việc, thay vì theo hệ số cào bằng hiện nay.
Tại hội nghị hôm nay, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói rất vui khi Chính phủ bỏ thi thăng hạng viên chức. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ bỏ một số hình thức thi khác liên quan đến công chức, viên chức.
Về sáp nhập huyện xã, ông Quang cho biết nhiều địa phương không muốn thay đổi về địa giới, cốt cách, văn hóa, lịch sử, truyền thống, tập quán. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần quyết tâm làm để kịp tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới.
Ngành nội vụ cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, bởi việc này “giúp chúng ta đàng hoàng, tử tế hơn”. Có nơi sẽ không ủng hộ chuyển đổi số bởi “nếu dùng máy chạy hết thì không có cái nọ, cái kia, không có tinh tinh lại không vui”. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy đây là giải pháp đúng đắn để nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy hành chính.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thời gian qua ngành đã tập trung hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập được tinh gọn, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa dịch vụ công.
Nhiều thủ tục hành chính trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức được cắt giảm. Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ bỏ thi thăng hạng viên chức, chỉ giữ lại hình thức xét thăng hạng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức được hoàn thiện, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh những mặt được, bà Trà thừa nhận còn tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc, thôi việc. Năm 2023, toàn quốc có 10.880 công chức, viên chức thôi việc, trong đó ở trung ương 983 người, địa phương 9.897 người. Số người rời bỏ khu vực công năm 2023 ở trung ương gồm 110 công chức và 873 viên chức; địa phương gồm 866 công chức và 9.031 viên chức.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/kho-xay-dung-vi-tri-viec-lam-boi-bo-may-cong-kenh-4691355.html