Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024, 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định phê duyệt giá mới của UBND TP; 100% các chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí… theo quy định hiện hành. 100% xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố.
Thành phố cũng sẽ đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng các chợ đang hoạt động đảm bảo hiệu quả theo đúng tiêu chí, đảm bảo phát huy đầy đủ công năng và nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của các chợ, văn minh thương mại, 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn vệ sinh theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.
Năm 2024, Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại 36 chợ. Đáng chú ý, một số chợ có quy mô lớn là: chợ đầu mối cấp vùng, xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh 300.000m2; chợ Viên Sơn, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây 51.000m2; chợ Sóc Sơn, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn 19.600m2; chợ Gióng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm 12.152m2; chợ Am Nội, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì 10.000m2; chợ dân sinh phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm 5.166 m2; chợ dân sinh phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm 2.819m2…
Ngoài ra, Thành phố cũng dự kiến nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 76 chợ. Trong đó: quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây, mỗi quận, thị xã có 1 chợ; quận Bắc Từ Liêm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình, huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn đều có 2 chợ/quận, huyện; quận Tây Hồ, huyện Đan Phượng, huyện Mê Linh có 3 chợ/quận, huyện; quận Cầu Giấy, huyện Thường Tín, Quốc Oai, Chương Mỹ có 4 chợ/quận, huyện; huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa có 6 chợ/huyện; huyện Đông Anh 7 chợ; huyện Thanh Trì 9 chợ.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự… đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, làm tốt công tác công khai thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai chủ trương, chính sách đối với việc phát triển, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn;
Rà soát, bổ sung các chợ trên địa bàn quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất tổ chức đấu thầu theo quy định đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu kinh doanh mua bán của nhân dân.
Đơn vị quản lý chợ, chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình phải công khai, minh bạch thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng công trình trong chợ, xây dựng lại chợ.
UBND quận, huyện, thị xã rà soát lại quỹ đất để bố trí địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường giải tỏa các tụ điểm kinh doanh tự phát trái quy định trên địa bàn.
UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn có chợ được đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo làm đầu mối giải quyết những khó khăn, vướng mắc, họp các hộ kinh doanh tại chợ tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận (trước, trong và sau đầu tư), không để xảy ra khiếu kiện đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tại chợ đối với các chợ đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ha-noi-du-kien-xay-moi-36-cho-cai-tao-76-cho-trong-nam-2024.htm