Thanh HóaĐón di hài liệt sĩ Lê Hải Lục về quê xã Xuân Lai, người thân và xóm làng rơi nước mắt khi ông hy sinh từ năm 1972 đến nay mới tìm được hài cốt.
Sẩm tối 19/12, chiếc xe của Sư đoàn 968 Quân khu 4 chở hài cốt liệt sĩ Lê Hải Lục về đến ngôi nhà nhỏ nằm giữa làng Canh Hoạch, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân trong sự chờ đón của người nhân và xóm làng. Chiếc xe vừa dừng bánh, nhiều người thân chít trên đầu vành khăn trắng ùa ra vây kín.
Hài cốt liệt sĩ Lê Hải Lục đựng trong bộ tiểu sành nhỏ phủ Quốc kỳ được đặt ngay ngắn trên bàn thờ kê trước nhà. Khi tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ vang lên, nhiều người có mặt đã không cầm được nước mắt.
“Hơn 50 năm chú ngã xuống, giờ mới có ngày trở về đất mẹ. Còn hạnh phúc nào bằng…”, ông Lê Hữu Lâm, 58 tuổi – cháu ruột liệt sĩ Lê Hải Lục, vừa thắp hương vừa khóc. Liệt sĩ Lục sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1967, lúc ông Lâm mới lên 2 tuổi nên dù từng sống cùng nhà ông không có ký ức gì về người chú út. Lớn lên ông cũng chỉ nghe kể về chú qua trí nhớ của bố mẹ, ông bà.
Kỷ niệm nhớ nhất của ông Lâm là lúc lên 7 tuổi, sau khi liệt sĩ Lê Hải Lục hy sinh, gia đình nhận được giấy báo tử từ đơn vị kèm theo quân tư trang đựng chung trong một chiếc ba lô màu xanh đã cũ. “Lúc đó bà nội tôi khuỵu ngã. Bà khóc ngất vì thương nhớ chú”, ông Lâm nhớ lại.
Sau chiến tranh, vì hoàn cảnh khó khăn và cũng không có thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ Lê Hải Lục nên gia đình không thể tìm kiếm phần mộ của ông. Gần đây con cháu trong gia đình đăng tải thông tin và dò tìm trên các trang mạng của các nghĩa trang phía nam, song không có kết quả.
Năm ngày trước, gia đình nhận được tin từ cán bộ xã thông báo Đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 968 đã tìm thấy hài cốt của người chú từng chiến đấu và hy sinh vào mùa xuân năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị. Qua di vật để lại trong lọ Penicillin chứa mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán, gia đình nhận định chính xác là liệt sĩ Lục nên đã làm các thủ tục đưa hài cốt về quê an táng.
Trong nhiều người làng Canh Hoạch đến thắp hương cho liệt sĩ Lê Hải Lục có cựu binh Hà Đình Đài, 75 tuổi. Ông Đài người cùng làng, nhập ngũ cùng ngày và chiến đấu cùng tiểu đoàn với liệt sĩ Lê Hải Lục.
Ông Đài hơn liệt sĩ Lê Hải Lục một tuổi. Thời thơ ấu, họ lớn lên cùng nhau bằng củ sắn, củ khoai và những bát cơm độn, cùng chăn trâu cắt cỏ trên cánh đồng làng. “Lục tính tình hiền lành lắm”, ông Đài nói.
Tháng 3/1967, ông Đài và 8 thanh niên trong xã Xuân Lai trong đó có liệt sĩ Lê Hải Lục được lệnh nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện ở Cán Khê, huyện Như Xuân, cuối năm 1967 họ hành quân vào nam chiến đấu.
Ông Đài được biên chế ở Đại đội 2, còn ông Lê Hải Lục thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Tiểu đoàn 7 chiến đấu ở mặt trận Đường 9 – Khe Sanh, Quảng Trị với những trận mở màn cho chiến dịch Mậu Thân 1968.
“Hồi đó chúng tôi còn trẻ lắm, lúc nào cũng hừng hực khí thế ra chiến trường. Tới nơi bom đạn khốc liệt, chúng tôi xác định cái chết cận kề, bởi máy bay địch thả bom rồi đạn pháo cứ ào ạt ngang đầu”, ông Đài kể.
Theo ông Đài, có những trận bom địch phạt ngang gọn cả rừng cao su. Có tiểu đoàn hy sinh gần hết chỉ sau một trận đánh tại chiến trường Quảng Trị. 9 người ở làng Canh Hoạch cùng nhập ngũ mùa xuân năm 1967 chỉ còn ba người trở về.
Chiến đấu cùng mặt trận song ông Đài và liệt sĩ Lê Hải Lục không có điều kiện liên lạc với nhau. Đầu tháng 4/1972, khi đang chiến đấu, ông Đài nhận tin đồng đội Lê Hải Lục và nhiều người khác hy sinh. Đến năm 1976 khi được ra quân, ông Đài mới có dịp đến nhà thắp hương, động viên mẹ liệt sĩ Lục.
“Bà ấy thấy tôi lành lặn trở về còn con trai thì vĩnh viễn ra đi nên khóc nhiều lắm. Tôi ôm bà và an ủi: Đó là quy luật chiến tranh, biết sao được…”, kể đến đây ông Đài bật khóc.
Cựu binh Hà Đình Đài nói điều làm ông day dứt nhiều năm là lời giao ước trước khi ra chiến trường. Khi còn huấn luyện, ông Đài và ông Lục tâm sự về chuyện tình yêu đôi lứa. Họ cùng hứa sau ngày đất nước thống nhất sẽ về quê cùng cưới vợ bởi hai ông yêu hai chị em trong một gia đình.
Ông Lục có tình cảm với người chị, còn ông Đài yêu người em. Ông Đài sau đó giữ đúng lời hứa đã cưới người em. Tuy nhiên, liệt sĩ Lê Hải Lục đã mãi mãi không thực hiện được tâm nguyện. Chị vợ của ông có lẽ vẫn nhớ lời thề ước nên cả chục năm sau mới đi lấy chồng…
Trước đó ngày 13-14/12, Sư đoàn 968 Quân khu 4 quy tập được bốn hài cốt liệt sĩ tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Trong đó hai hài cốt tìm thấy tại thôn Thượng Lâm, xã Cam Nghĩa có kèm theo hai lọ Penicillin, phía trong là mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán liệt sĩ.
Qua giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị xác định tên tuổi, quê quán, đơn vị của hai liệt sĩ. Đó là liệt sĩ Lê Hải Lục, quê xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đối chiếu trích lục quân nhân, liệt sĩ Lục hy sinh ngày 2/4/1972 tại thôn Thượng Lâm.
Người thứ hai là liệt sĩ Lê Sĩ Hùng, sinh năm 1951, nguyên quán xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Liệt sĩ Hùng đang được gia đình phối hợp với cơ quan chức năng làm thủ tục giám định.
Theo phong tục địa phương và tâm nguyện của gia đình, hài cốt liệt sĩ Lê Hải Lục tối 19/12 được đưa về nhà riêng để thân nhân và làng xóm đến thắp hương lễ viếng. Hôm nay sau lễ truy điệu theo nghi thức quân đội, ông sẽ được an táng tại nghĩa trang làng Canh Hoạch cùng gia tộc.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ngay-ve-cua-liet-si-hy-sinh-51-nam-truoc-4691186.html