Nhật Bản vốn nổi tiếng với những hệ thống đường sắt hiện đại, tối tân, có thể chở hành khách qua một quãng đường dài trong thời gian ngắn. Tại Tokyo, dân số khoảng từ 35-39 triệu người, số hành khách di chuyển bằng tàu hỏa vượt xa các phương tiện khác như xe đạp, xe buýt và phương tiện giao thông cá nhân. Vì thế mà các chuyến tàu thường gặp tình trạng quá tải, dù cho rất nhiều tàu điện hoạt động ngày đêm.
Theo thống kê, hầu hết các chuyến tàu điện tại Tokyo đều chạy vượt công suất, thậm chí có một số ít chạy vượt công suất định mức 200% để đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách. Dù có rất nhiều các chuyến tàu vận hành ngày đêm, nhưng tình trạng nhồi nhét vẫn diễn ra khá thường xuyên. Và thế là một nghề nghiệp mới ra đời để giải quyết tình trạng nhồi nhét chật cứng: Oshiya – hay người đẩy khách.
Họ là những nhân viên mặc đồng phục và có nhiệm vụ nhồi nhét thêm người vào các toa tàu (nếu vị khách vẫn nhất quyết muốn lên và chuyến tàu vẫn còn nhét đủ vài người). Họ đặc biệt bận rộn vào giờ cao điểm.
Khi những người đẩy khách này lần đầu xuất hiện tại ga Shinjuku của Tokyo, họ được biết đến với cái tên là “nhân viên điều phối hành khách”. Công việc này thu hút chủ yếu là học sinh và sinh viên làm việc bán thời gian.
Nguồn gốc nghề đẩy khách lên tàu
Theo tờ Amusing Planet, nghề đẩy khách lên tàu thực tế bắt nguồn từ thành phố New York, Mỹ gần một thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhiều người không thích nhân viên đẩy khách vì họ xô đẩy hành khách khá mạnh bạo.
Ở Nhật Bản thời hiện đại, bạn có thể thấy các nhân viên “hòa nhã” hơn, tuy nhiên đôi lúc họ vẫn đẩy hết sức mình và có thể làm khách thấy khó chịu. Không ít người cho rằng công việc này buộc các nhân viên phải đẩy một cách thô lỗ.
Hiện nghề đẩy khách đã trở nên lỗi thời vì các đoàn tàu dần áp dụng công nghệ cửa tự động khiến việc nhồi nhét hành khách là điều không thể.
Hiện công việc này đang dần chìm vào quá khứ
Đòi hỏi sức khỏe thể chất nhất định
Oshiya lưu ý cần dùng hai tay để đẩy khách, áp lực đẩy bằng hai tay sẽ cân bằng hơn so với đẩy bằng một tay, cả khách và Oshiya đều sẽ không bị mất cân bằng và ngã ra đường.
Thứ hai, Oshiya chỉ có thể đẩy vai, lưng hoặc một phần bắp tay của khách hàng lên tàu, tuyệt đối tránh chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể khách. Và cuối cùng, Oshiya cần phải giữ chân thật chắc vì chính những hành khách chờ ở trên sân ga có thể đẩy luôn Oshiya vào trong tàu.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, Oshiya sẽ treo cờ và phát tín hiệu bằng đèn cho các kỹ sư tàu khi tàu sẵn sàng và an toàn để rời bến. Các Oshiya sẽ nói chuyện với khách bằng ngôn từ lịch sự, trang trọng, đồng thời luôn đeo găng tay trắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Mặc dù Oshiya thường biết đến là người đẩy khách, nhưng họ cũng có nhiệm vụ ngăn cho khách tiến thêm vào khoang tàu nếu khoang tàu đã chật kín người. Họ cũng giúp kiểm tra xem vật dụng cá nhân như túi xách bị kẹt ở cửa ra vào không. Nhìn rộng hơn, nhiệm vụ của các Oshiya là đảm bảo việc khách ra vào thuận lợi.
Những chuyến tàu “chèn ép” đến ngột ngạt
Gần đây, vào năm 2012, nhiếp ảnh gia người Hồng Kông Michael Wolf đã thực hiện một bộ ảnh có tên là Tokyo Compression, trong đó anh chụp biểu cảm cam chịu của những người đi tàu khi khuôn mặt của họ bị ép vào cửa sổ.
Những hình ảnh này cho thấy tình trạng bên trong tàu điện ngầm khủng khiếp như thế nào. Các cơ thể bị ép chặt vào nhau đến mức khó có thể thể cử động được. Để xuống đúng ga cũng tốn nhiều công sức và cần quyết tâm cao độ, khi gặp vấn đề nghiêm trọng thì việc sơ tán cũng rắc rối, mất nhiều thời gian.
Gương mặt cam chịu của hành khách
Dù có nhiều mặt chưa tốt, nhưng không thể phủ nhận cách “nhồi nhét” đã gia tăng đáng kể sức chứa của tàu điện ngầm ở những thành phố đông dân.
Được truyền cảm hứng từ Nhật Bản, vào tháng 2 năm 2017, thủ đô Madrid đã tuyển những “người đẩy khách” phục vụ cho tàu điện ngầm của Tây Ban Nha. Được biết, do một trong các tuyến tạm thời đóng cửa phục vụ công việc bảo trì mà lượng hành khách dồn lên các tuyến khác đã tăng đáng kể.