Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 17/3, ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành McKinsey & Company Việt Nam, cho rằng Việt Nam dễ bị tổn thương hơn nhiều quốc gia do biến đổi khí hậu nhưng lại ở một vị thế tốt hơn và đứng trước nhiều cơ hội giúp kinh tế tăng tốc.
Để giúp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để “đi tắt đón đầu”, ông Bruce Delteil, cho rằng đẩy nhanh trình phát thải ròng bằng không phải phụ thuộc vào công nghệ. Theo đó, Việt Nam có thể triển khai ba giải pháp về chuyển đổi xanh và tận dụng sức mạnh từ kỹ thuật số.
Một là, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh độc đáo về năng lượng tái tạo nhờ tận dụng tối đa những tiến bộ công nghệ sạch tiên tiến hiện nay và các công cụ kỹ thuật số để cung cấp năng lượng sạch cho Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang có hoài bão rất lớn để phát triển các sản phẩm năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững như: các sản phẩm xe điện, hay việc giảm thiểu cacbon trong ngành giao thông vận tải bằng cách điện hoá các phương tiện…
Hai là, phát triển các cụm công nghệ xanh bằng cách chuyển đổi, “xanh hoá” các ngành công nghiệp có sẵn sang các ngành công nghệ xanh ví dụ như: trung tâm dữ liệu, hydro xanh, hàng hóa xanh dựa trên quy trình sản xuất công nghệ cao…
Tuy nhiên, khó khăn gặp phải là chuyển giao và nhân rộng những cụm công nghệ xanh như vậy tại các địa phương.
Ba là, nhiên liệu xanh, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh. Đây là những nguồn nhiên liệu sạch cho tương lai, không chỉ sử dụng trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các nước Đông Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
“Năng lượng tái tạo, các cụm công nghệ xanh cũng như nguồn nhiên liệu xanh sẽ giải quyết những cuộc khủng hoảng về khí hậu. Chúng ta sẽ có thể đạt được những kết quả tích cực nếu sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đầu tư công nghệ và đặc biệt là huy động được nguồn vốn”, ông Bruce Delteil nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc điều hành McKinsey, còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2050, vì vậy, Việt Nam cần tính toán cách thức để thúc đẩy quá trình ứng dụng và phát triển công nghệ cũng như chuyển đổi mô hình kinh tế.
Bên cạnh những yếu tố liên quan về vấn đề công nghệ, phía bên kia của đẳng thức, theo ông Bruce Delteil, Việt Nam cần nguồn lực tài chính không hề nhỏ để tạo ra bước chuyển đổi rõ rệt hơn. Việc phân bổ chi phí như thế nào cũng là bài toán khó nhưng khối doanh nghiệp sẽ có chỗ đứng trong bức tranh này.
Tại diễn đàn, Giám đốc điều hành McKinsey cũng gợi ý giải pháp tài chính đến từ trái phiếu xanh. Trong một báo cáo của mình, các chuyên gia của McKinsey đã thống kê được trong năm 2021, trên toàn thế giới có hơn 620 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành, gấp đôi năm trước đó và thị trường tăng trưởng kép mỗi năm.
Đông Nam Á cũng góp mặt trong thị trường này khi các ngân hàng tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan phát hành tổng cộng hơn 43 tỷ USD trái phiếu xanh trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như nằm ngoài xu thế này khi các ngân hàng trong nước mới chỉ phát hành 216 triệu USD trái phiếu xanh, mặc dù có rất nhiều dự án môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang cần tìm nguồn vốn và nhà đầu tư cũng ráo riết tìm kiếm cơ hội.
Quan sát của chuyên gia McKinsey cho thấy có 4 điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng thị trường trái phiếu xanh là (i) nhu cầu tài trợ các dự án có lợi cho môi trường, như năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh; (ii) bảo đảm các sản phẩm xanh đem lại nguồn lợi cho ngân hàng và nhà đầu tư; (iii) xây dựng khung pháp lý; (iv) tạo dựng thị trường trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, số lượng công cụ tài chính xanh và mức độ phát triển thị trường này ở Việt Nam còn thấp. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 40% các ngân hàng Việt Nam không có dự án đầu tư xanh trong danh mục đầu tư của mình.
“Đây là một nguồn tài chính rất tiềm năng nhưng cần nhiều thay đổi trong vấn đề thể chế để tạo thuận lợi cho những hoạt động đầu tư có thể triển khai. Chúng ta cũng cần phải thay đổi cách nhìn, tạo ra một chỗ đứng cho trái phiếu xanh. Đây chính là thời khắc cả Chính phủ, doanh nghiệp, các định chế tài chính cần ngồi lại để có thể tìm ra một giải pháp”, ông Bruce Delteil nhìn nhận.