Có hai lý do phía sau sự thận trọng của ông Powell, một là, chặng cuối của cuộc chiến đưa lạm phát về mục tiêu 2% sẽ khó khăn hơn so với những chặng trước đó; hai là, sự khó lường của lạm phát có thể khiến Fed mất uy tín.
GIẢM LẠM PHÁT SẼ TRỞ NÊN KHÓ KHĂN HƠN
Tại phiên họp báo sau khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – bộ phận ra quyết sách trong Fed – kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, ông Powell nói rằng các điều kiện kinh tế, đặc biệt là hệ quả của đại dịch Covid-19, đã giúp Fed kéo được lạm phát xuống mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế. Đây thực sự là một thành tích hiếm hoi của Fed trong lịch sử kinh tế Mỹ, vì các chiến dịch chống lạm phát trước đây thường gây tác dụng phụ là khiến nền kinh tế sụt giảm, ngoại trừ một số trường hợp mà điển hình là trong chu kỳ lạm phát hồi giữa thập niên 1990.
Thị trường tài chính đã hết sức phấn khởi khi nhìn vào cập nhật dự báo lãi suất “dot plot” của Fed, trong đó ngân hàng trung ương này dự kiến có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024, nhiều hơn 1 lần so với dự báo đưa ra hồi tháng 9/2023.
Việc Fed tăng dự báo về số lần giảm lãi suất trong lúc nền kinh tế vẫn tăng trưởng vững đồng nghĩa Fed tin chắc sẽ kiến tạo được một cuộc “hạ cánh mềm”, điều mà nhiều nhà kinh tế học cho tới gần đây vẫn cho là khó có thể đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát gay cấn nhất 4 thập kỷ của Fed.
Ông Powell nói rằng tăng lãi suất thêm không còn là “kịch bản chính” ở thời điểm này, nhưng cũng khẳng định “còn quá sớm” để tuyên bố chiến thắng lạm phát. Quan điểm này đã được ông giải thích khá kỹ tại buổi họp báo. “Lạm phát cao thời gian qua không phải là lạm phát cầu kéo kinh điển, mà là sự kết hợp giữa nhu cầu mạnh và những hạn chế bất thường về nguồn cung, cả về hàng hóa và nhân công, do xảy ra một cú sốc về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động”, ông nói.
Chủ tịch Fed cho biết Fed coi chống lạm phát là một cuộc chiến gồm hai mặt trận: một là, cố gắng làm suy yếu nhu cầu trong nền kinh tế; hai là, chờ cho nguồn cung trở lại trạng thái bình thường. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói rằng nguồn cung của nhiều bộ phận trong nền kinh tế Mỹ đang đạt gần tới trạng thái như trước đại dịch.
“Điều đó đang xảy ra và vấn đề là một khi quá trình trở lại trạng thái bình thường của nguồn cung đã hoàn tất – dù chúng tôi nghĩ là chưa hoàn tất ngay được – đó sẽ là lúc chúng ta không còn sự hỗ trợ của phía nguồn cung tăng và chỉ còn dựa vào việc giảm cầu. Lúc đó, việc giảm lạm phát sẽ trở nên khó khăn hơn. Mọi việc đến giờ là ổn, nhưng chúng tôi cũng cho rằng từ giờ trở đi, công việc của chúng tôi sẽ trở nên khó hơn”, ông Powell phát biểu.
Fed dự báo lạm phát lõi giảm còn 3,2% trong năm 2023, trước khi về mức 2,4% trong năm 2024, rồi 2,2% trong năm 2025. Fed cho rằng phải đến năm 2026 mới đạt mục tiêu lạm phát 2%.
RỦI RO LẠM PHÁT “BỐC ĐẦU” TRỞ LẠI
Giới chức Fed còn có một lý do khác để thận trọng. Họ không muốn vội vã tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh”, ngay cả khi họ phấn khởi trước sự giảm tốc gần đây của giá cả, bởi lẽ cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Mỹ thường xuyên có những diễn biến khó lường trong 3 năm qua.
“Chẳng có lý do gì để công bố chiến thắng lạm phát một cách quá sớm. Lại càng không có lý do để làm như vậy khi mà tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp diễn, hầu như không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì”, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của Ngân hàng UBS, ông Jonathan Pingle, nói trong một cuộc trao đổi mới đây với tờ Wall Street Journal.
Năm 2021, lạm phát ở Mỹ tăng vọt trong mùa xuân rồi giảm xuống trong mùa hè, khiến Fed lầm tưởng rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Rồi Fed quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã triển khai khi Covid-19 trở thành đại dịch. Đến mùa thu năm đó, giá cả tăng tốc, buộc Fed phải đảo ngược khẩn cấp chính sách bằng đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022. Bởi vậy, giới chức Fed hiện nay muốn có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát không dừng lại một cách dai dẳng ở vùng 3%.
Bên cạnh đó, Fed cũng không muốn khuyến khích thị trường chứng khoán tăng điểm bằng cách tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” về việc kết thúc chu kỳ thắt chặt, vì giá cổ phiếu tăng có thể kích thích các hoạt động kinh tế, khiến cho nỗ lực chống lạm phát gặp trở ngại. Họ đặc biệt muốn tránh để nhà đầu tư kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn những gì mà Fed sẵn sàng làm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang giữ nhịp tăng trưởng tốt.
Trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động vào tháng 3/2022, Fed đến nay đã có 11 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) lên 5,25-5,5%. Mức lãi suất này đến nay đã được Fed giữ nguyên trong ba lần họp liên tiếp.
Dự báo “dot plot” mới nhất của Fed cho thấy FOMC kỳ vọng có ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với mức giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm. Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025, với tổng mức cắt giảm tròn 1 điểm phần trăm và giảm thêm 3 lần nữa trong năm 2026, đưa lãi suất quỹ liên bang về 2-2,25%.
Thị trường tài chính thậm chí kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với tần suất dày hơn. Sau tuyên bố của Fed và cuộc họp báo của ông Powell, các nhà giao dịch dự báo Fed hạ lãi suất tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024, tương đương 6 lần giảm nếu mức giảm của mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm, nhiều gấp đôi cả về số lần và lượng giảm so với dự báo mà Fed đưa ra. Trong đó, lần giảm đầu tiên được kỳ vọng sẽ diễn ra vào tháng 3/2024.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế có cái nhìn dè dặt hơn thị trường tài chính. Họ cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất trước tháng 6. Một số chuyên gia còn cho rằng động lực để Fed giảm lãi suất trong năm 2024 là do nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chứ không phải do nền kinh tế “hạ cánh mềm”…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51 – 2023 phát hành ngày 18 – 12- 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ly-do-khien-fed-chua-the-tuyen-bo-chien-thang-lam-phat.htm