Các nước đang phát triển phải chi số tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD để trả lãi nợ công nợ công trong năm 2022, khi lãi suất trên toàn cầu tăng mạnh – theo dữ liệu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây.
So với năm 2021, số tiền lãi nợ công mà các nền kinh tế đang phát triển phải trả trong năm 2022 đã tăng 5%. Đối với những nước thuộc diện nghèo nhất, câu chuyện có thể còn tồi tệ hơn. Báo cáo Nợ Quốc tế (International Debt Report) mới nhất của WB, công bố tuần vừa rồi, cho thấy tiền lãi nợ công của 24 nước nghèo nhất thế giới đã tăng với tỷ lệ lên tới 39% trong năm 2023 và 2024.
“Mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia tới con đường khủng hoảng”, nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB nhận định. “Cứ mỗi quý lãi suất duy trì ở mức cao, hệ quả sẽ là có thêm các quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng căng thẳng nợ, và đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa một bên là trả lãi nợ công và một bên là đầu tư vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng”.
Để chứng minh cho tính nghiêm trọng của vấn đề, WB cho biết đã có 18 vụ vỡ nợ quốc gia tại 10 nước đang phát triển trong vòng 3 năm qua – nhiều hơn con số của cả 2 thập kỷ trước cộng lại. Trong danh sách các nước vỡ nợ có Ghana, Sri Lanka, Zambia và một số quốc gia khác.
Hiện có 28 quốc gia đủ tiêu chuẩn để vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB – một cơ chế cho vay nhằm giúp những nước nghèo nhất trên thế giới. 11 nước trong số này đã rơi vào tình trạng căng thẳng nợ, và những nước còn lại đối mặt nguy cơ cao rơi vào tình trạng tương tự – theo báo cáo của WB.
Lãi suất tăng cao trên toàn cầu và đồng USD mạnh đã khiến chi phí lãi vay trở nên càng tốn kém hơn đối với các quốc gia nặng nợ. WB cho biết, hơn 1/3 nợ nước ngoài của các nước đang phát triển là những khoản vay lãi suất biến thiên, khiến các quốc gia này rất dễ tổn thương trước những biến động bất ngờ.
Các tổ chức cho vay đa phương, gồm WB và IMF, đã tăng cường nỗ lực để giúp các nước đang phát triển đảo nợ trong bối cảnh các lựa cho vay vốn mới từ các nguồn tư nhân ngày càng trở nên eo hẹp.
Năm 2022, các chủ nợ tư nhân đã thu hồi từ các nước phát triển một lượng nợ cũ nhiều hơn 185 tỷ USD so với số tiền mà họ cấp vốn vay mới cho các nước này trong cùng năm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 xảy ra sự đảo ngược này – theo báo cáo của WB.
Báo cáo cũng cho biết các tổ chức cho vay đa phương đã cấp 115 tỷ USD vốn vay mới dưới dạng tài chính lãi suất chấp cho các nước đang phát triển trong năm 2022, trong đó có khoảng một nửa đến từ WB.
Thông qua cơ chế IDA, WB cho biết đã cấp vốn vay mới cho các nước đang phát triển trong năm 2022 nhiều hơn 16,9 tỷ USD so với số nợ cũ được trả lại. Con số chênh lệch này đã tăng gấp gần 3 lần so với cách đây 1 thập kỷ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa việc xoá-giảm nợ cho các nước đang phát triển thành một “hòn đá tảng” trong sự tương tác của bà với các nhà lãnh đạo trên thế giới. Bà Yellen đã hối thúc các chủ nợ quốc tế như Trung Quốc giảm nợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển đối mặt rủi ro vỡ nợ, cho rằng cách làm như vậy sẽ có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.