“Ở Việt Nam có thể thấy được băng tuyết không?” – câu trả lời đó là thật hiếm khi. Chỉ ở những điểm đến có địa hình cao, từ đó khí hậu đặc biệt lạnh vào mùa đông thì du khách mới có cơ hội nhìn thấy băng tuyết. Vậy nơi lạnh nhất Việt Nam, dễ nhìn thấy băng tuyết nhất ở Việt Nam là đâu? Không phải Sa Pa hay đỉnh Fansipan như nhiều người nghĩ, nơi này là đỉnh Mẫu Sơn – Lạng Sơn.
Các chuyên gia cũng phân tích thêm, đỉnh Mẫu Sơn trở thành nơi từng có nhiệt độ thấp, khí hậu lạnh nhất cả nước phần lớn là do đặc điểm cấu tạo địa hình. Cụ thể, núi Mẫu Sơn nằm ở vị trí cánh cung phía Bắc, là cửa ngõ đón gió mùa. Từ đó, các ghi nhận cho thấy gió thổi trên đỉnh núi có thời điểm đạt tới cấp 5, cấp 6, gió giật cấp 10. Mức gió này tương đương với cấp gió áp thấp nhiệt đới và bão. Ngoài gió mạnh, trên đỉnh Mẫu Sơn còn có mây mù quanh năm bao phủ, từ đó tạo nên cảm giác rét buốt, đặc biệt là vào mùa đông.
Chính bởi danh xưng “nơi lạnh nhất Việt Nam” cùng cơ hội được nhìn thấy băng tuyết một cách dễ dàng, vào mùa đông hay cụ thể là những tháng từ 12 – tháng 2 năm sau, đỉnh Mẫu Sơn thu hút lượng lớn khách du lịch từ nhiều địa phương trên cả nước. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình, trong 3 ngày 19-20-21/2 năm ngoái, có khoảng 10.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm Khu du lịch tại đỉnh Mẫu Sơn. Thậm chí có những đoàn khách đã tới từ 18/2.
Đa phần du khách đều có chung mong muốn, đó là “bắt kịp” khoảnh khắc lạnh giá nhất của mùa đông, ngắm nhìn băng tuyết trắng xóa phủ nhà cửa, cây cối trên đỉnh Mẫu Sơn. Và khi trải nghiệm được trải nghiệm thú vị ấy ở ngay Việt Nam, những du khách này cũng tỏ ra vô cùng thích thú. Du khách Hải My (đến từ Hà Nội) chia sẻ những hình ảnh “hòa mình” vào băng tuyết ở Mẫu Sơn vào dịp tháng 1 năm 2021 cùng dòng trạng thái: “Bốn bề toàn là băng, đẹp hùng vĩ nhưng rét cũng dữ dội lắm”.
Hay du khách Nông Thu (đến từ Hà Nội) nhận xét: “Đẹp thế này không đi là hơi tiếc đó, trời lạnh hơn có khi khung cảnh còn trắng xóa hơn nữa. Mình phải mặc 2 cái áo phao mới chống cự được cái thời tiết ở đây”.
Những điểm đến đặc trưng ở Mẫu Sơn
Có thể thấy, Mẫu Sơn bắt đầu trở thành “ngôi sao sáng” trong bản đồ du lịch Việt, được đặt ngang với Sa Pa hay đỉnh Fansipan bởi khí hậu lạnh giá và cảnh quan băng tuyết đặc biệt. Tuy nhiên không chỉ có vậy, du khách đến với Mẫu Sơn có thể tham khảo thêm nhiều điểm đến và trải nghiệm hơn nữa là chuyến đi thêm phần trọn vẹn.
Đầu tiên đó là những yếu tố thuộc về cảnh sắc thiên nhiên. Không chỉ có núi non hùng vĩ, ở Mẫu Sơn còn có diện tích rừng rậm rạp lớn, vào khoảng 5000ha. Khu rừng có sự hiện diện của nhiều loại cây gỗ quý cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm khác đang sinh sống. Bên cạnh đó là dòng suối trong xanh hay những địa điểm mang đậm nét văn hóa bản địa, văn hóa tâm linh.
1. Suối Long Đầu
Theo thông tin từ trang thông tin của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, suối Long Đầu không chỉ là thắng cảnh đẹp ở Mẫu Sơn mà còn là một trong những điểm du lịch sinh thái đặc sắc của toàn tỉnh Lạng Sơn. Suối dài 10km, chảy trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái, huyện Lộc Bình.
Bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ, dòng nước của suối Long Đầu chảy theo hướng Bắc Nam qua nhiều triền dốc, rừng giá ở thôn Lặp Pịa, rồi về những vùng thấp hơn. Lòng suối cũng hẹp kết hợp với độ dốc, từ đó tạo cho con suối rất nhiều phần thác ghềnh. Trong đó, những thác lớn, có độ cao tới hơn 3m tập trung ở thượng nguồn.
Trừ mùa mưa lũ, còn lại ở những thời điểm khác trong năm, con suối Long Đầu chảy hiền hòa với dòng nước trong vắt mát lành. Chính bởi vậy, nơi đây được xem là địa điểm lý tưởng để du khách tới ngắm cảnh hay dừng chân cắm trại, hòa mình với thiên nhiên.
2. Khu linh địa cổ Mẫu Sơn
Ở Mẫu Sơn còn có một địa điểm mang vẻ đẹp vừa huyền bí, vừa ma mị, nhưng từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt, ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh thiên nhiên bên dưới Mẫu Sơn, tựa như một bức tranh thủy mặc. Địa điểm đang được nhắc tới chính là Khu Linh địa cổ Mẫu Sơn, nằm ở độ cao 1190m trên sườn núi dốc phía Đông – Nam dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thông Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn.
Theo thông tin từ Báo điện tử Lạng Sơn, Khu Linh địa cổ có niên đại từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX. Chủ nhân của khu Linh địa cổ Mẫu Sơn thời kỳ đầu là người Tày cổ, sau này có sự tham gia của người Nùng và người Dao cùng cư trú ở khu vực này. Người dân đã lập nên khu đền thờ thần núi và hằng năm hành hương tế lễ thần linh cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong đời sống của mình. Năm 2003, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn (nay là Bảo tàng Lạng Sơn) tiến hành khai quật, phát hiện những dấu tích của khu Linh địa cổ.
Để đến được khu Linh địa cổ Mẫu Sơn, du khách sẽ cần khoảng 3 giờ đồng hồ leo núi, đi qua những khu rừng nguyên sinh và thảm thực vật đa dạng phong phú, trùng điệp nối tiếp nhau. Những dấu tích còn lại ở nơi này và vẫn còn nguyên hiện trạng có thể kể tới là các chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm, cánh cửa đá hay hềm mộ đá.
Những dấu tích còn lại ở khu Linh địa cổ Mẫu Sơn (Ảnh Báo Lạng Sơn)
Năm 2013, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn chính thức được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
3. Bản làng của đồng bào của người Dao
Đến một nơi mà người đồng bào dân tộc Dao chiếm đa số như Mẫu Sơn, chắc chắn du khách không nên bỏ qua việc tham quan những bản làng của họ. Nổi bật và được nhiều du khách biết tới nhất là bảm Khuổi Cấp.
Với nét đặc trưng của văn hóa được thể hiện qua nếp sống hàng ngày, qua từng món ăn hay từng bộ trang phục, ghé thăm những bản làng, du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về văn hóa của người dân nơi đây. Đặc biệt nếu vào dịp cuối hoặc đầu năm, còn có thể tham gia vào các hoạt động lễ hội địa phương đặc sắc.
Nằm cách thủ đô Hà Nội 184km, du khách đến Mẫu Sơn có thể tùy chọn hình thức di chuyển từ xe máy, ô tô cho tới các phương tiện dịch vụ, công cộng. Quãng đường di chuyển sẽ kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ. Dưới đây là một số gợi ý về chi phí dành cho du khách
– Chi phí xe khách, xe taxi dịch vụ: 200.000 – 400.000 đồng/người/chiều
– Chi phí cơ sở lưu trú như nhà nghỉ, khách sạn: 200.000 – 300.000 đồng/phòng/đêm
– Chi phí ăn uống: Từ 200.000 đồng/người trở lên tùy lựa chọn, nhu cầu
– Chi phí mua quà về: Từ 150.000 đồng/người