Thưa bà, người dân được hưởng lợi gì nếu thông tư có hiệu lực, đi vào đời sống?
– Về mục đích, thông tư hướng dẫn rất cụ thể về những trường hợp người dân mua thuốc ngoài được thanh toán bảo hiểm y tế, những nơi có thể mua thuốc ngoài hoặc các đơn vị cung ứng có đủ điều kiện được thanh toán bảo hiểm y tế.
Hiện nay người dân đến khám chữa bệnh, điều trị cả nội trú lẫn ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh sẽ nhận thuốc tại cơ sở này hoặc nhà thuốc bệnh viện. Đây là nguồn cung cấp thuốc chính cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trong dự thảo thông tư chúng tôi đưa ra, người dân có thể tới nhà thuốc hoặc đơn vị cung ứng thuốc, vật tư khác để mua mà vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế. Phạm vi như vậy rất rộng so với phạm vi hiện nay khi người bệnh chỉ nhận thuốc từ cơ sở khám chữa bệnh nhà thuốc của bệnh viện đó.
Điều đó có nghĩa không phải người dân mua thuốc ở nhà thuốc bất kỳ nào cũng sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế?
– Đúng là phạm vi mua thuốc của người dân được mở rộng hơn nhưng cũng phải có điều kiện là người bệnh khám tại cơ sở khám chữa bệnh phải được bác sĩ kê đơn thuốc. Ngoài ra, thuốc đó phải nằm trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, điều kiện áp dụng phải là các bệnh viện do yếu tố khách quan không thể mua được thuốc để cung ứng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế chứ không phải chủ quan, cố tình không đấu thầu mua thuốc hay vật tư đúng quy định.
Nếu đủ điều kiện, khi mua thuốc bên ngoài, khoảng bao lâu, người dân sẽ được thanh toán bảo hiểm và thủ tục như thế nào?
– Trong nghị định 146 đã quy định các thủ tục người dân cần cung cấp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để được thanh toán trực tiếp. Tại thời điểm khám chữa bệnh, cơ sở y tế không cung ứng được thuốc, vật tư (nhưng chỉ do yếu tố khách quan) thì người dân có quyền đi các nhà thuốc của bệnh viện khác cũng như các đơn vị trúng thầu vật tư y tế hoặc thuốc khác để mua. Lúc này, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến địa chỉ có thể cung ứng. Theo quy định trong nghị định 146 thì thời gian tối đa người bệnh có thể nhận được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế khi nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp là 40 ngày.
Về quy trình thanh toán chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn trong dự thảo lần sau. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển nên những thủ tục thanh toán trực tiếp chúng ta có thể ứng dụng được để đơn giản nhất cho người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi thông tư có hiệu lực sẽ thêm việc và gánh nặng cho bác sĩ. Bà nghĩ sao?
– Bác sĩ chỉ kê đơn chỉ định thuốc một cách bình thường đúng theo nhu cầu điều trị khám, chữa bệnh của người bệnh. Tuy nhiên, khi bác sĩ kê đơn thuốc hoặc vật tư y tế mà tại thời điểm đó cơ sở này không cung ứng được thì mới cho phép người bệnh mua ở nơi khác xong thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội. Việc này không tạo gánh nặng với bác sĩ. Bác sĩ cứ khám bệnh, kê đơn như thông thường.
Dự kiến khi nào người dân mới được thanh toán khi mua thuốc ngoài, thưa bà?
– Để thông tư được hoàn chỉnh, chúng tôi đang xin ý kiến rộng rãi đến toàn thể các đơn vị liên quan. Hiện thông tư cũng được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Y tế cũng như cổng thông tin điện tử của Chính phủ.Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tổ chức các cuộc họp để bàn thảo các nội dung trong thông tư.
Sau đó sẽ ban hành thông tư các tiêu chí, quy trình xét duyệt hồ sơ thủ tục xét duyệt, danh mục thuốc trong bảo hiểm y tế. Thông tư sẽ có hiệu lực trong năm 2024.
Cảm ơn bà đã chia sẻ!