Đà NẵngPhó giám đốc Sở Nội vụ Lê Phú Nguyện nói cán bộ công chức né tránh trong thực thi công vụ vì tâm lý sợ trách nhiệm và thiếu hành lang pháp lý.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng ngày 13/12, ông Lê Phú Nguyện cho rằng, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng mà phổ biến ở nhiều nơi. Qua giám sát và tiếp nhận ý kiến cử tri, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Về tâm lý tiêu cực, cán bộ công chức thường hướng đến mục tiêu an toàn cho bản thân. Ông Nguyện dẫn chứng chính quyền xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) vừa qua phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên đất nông, lâm nghiệp nhưng thành phố sau đó nói không đúng quy định đất đai, quy hoạch và đề nghị dừng lại. Như vậy, đồng nghĩa với sinh kế, đường hướng phát triển mới của địa phương gặp khó khăn.
“Tại sao ở giữa đô thị, chúng ta không nói phải sử dụng đúng mục đích, mà ở trên núi đang khó khăn lại đặt vấn đề như vậy? Như thế anh em khó làm ngay”, Phó giám đốc Sở Nội vụ nói.
Để giải quyết tâm lý sợ sai, không dám nghĩ, dám làm, ông Nguyện cho rằng, trước hết người đứng đầu phải vững vàng, công tâm, động viên và bảo vệ thì cấp dưới mới có tinh thần làm theo.
“Nếu người đứng đầu cũng sợ thì rất khó. Lãnh đạo để cấp dưới dựa vào, mình yếu thì anh em cũng ngã luôn”, ông nói, kiến nghị thành phố lập tổ công tác với sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra để chấn chỉnh kịp thời cơ quan, đơn vị có thái độ làm việc chưa tốt; thường xuyên theo dõi, báo cáo về tinh thần, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Về mặt pháp lý, ông Nguyện nói ở khía cạnh quan hệ lao động, công chức là “loại hình lao động xã hội đặc biệt”. Công chức phải làm đúng quy định pháp luật trên từng công việc và lĩnh vực phụ trách. Do đó, khi pháp luật bất cập, mâu thuẫn thì không thể bắt công chức làm khác quy định.
“Khiếm khuyết của pháp lý phải giải quyết bằng con đường pháp lý chứ không thể đổ lỗi cho cán bộ, công chức. Chúng ta phải nói thẳng thắn với nhau, dù điều này nằm ngoài phạm vi của thành phố và thuộc về các cơ quan lập pháp, lập quy”, ông nói.
Tham khảo kinh nghiệm của các nền hành chính phát triển, ông Nguyện cho rằng, không có hệ thống pháp luật nào trên thế giới có thể quản lý hay đáp ứng được hết thực tiễn. Do vậy, pháp luật về hành chính phải trao quyền cho Chính phủ, chính quyền địa phương được quyết định các tình huống mà pháp lý không điều chỉnh hoặc có xung đột thì mới đáp ứng được thực tiễn.
Ngoài ra, các cơ quan giám sát quyền lực lâu nay chỉ giám sát việc tuân thủ pháp luật, chưa đặt nặng tính hiệu quả. Đúng pháp luật nhưng không hiệu quả thì cơ quan giám sát cần kiến nghị điều chỉnh “chứ không thể khư khư bảo vệ pháp luật”.
Cho ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Minh Triết dẫn lại Chỉ thị 34 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành hồi tháng 10, nêu rõ các biểu hiện của việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm như không chủ động đề xuất, quyết định giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; tham mưu “lòng vòng”; thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trước khiếu nại, bức xúc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp…
“UBND TP và các ngành liên quan phải chú ý đến trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ gắn với chế tài xử lý cán bộ vi phạm các biểu hiện trên”, ông Triết nói.
Thời gian qua, nhiều nơi xảy ra tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm. Một trong những nguyên nhân là quy định chồng chéo và thực tiễn phát sinh mà pháp luật chưa có quy định.
Để khắc phục, hồi tháng 9, Chính phủ ban hành nghị định, cho phép cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Tuy nhiên, thảo luận tại Quốc hội đầu tháng 11, đại biểu Trần Hữu Hậu (nguyên Bí thư Thành ủy TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cho rằng, thay vì để cán bộ phải “xé rào” thực thi nhiệm vụ, cần tìm rõ vướng mắc, chồng chéo và giải quyết để cán bộ yên tâm làm việc. “Chúng ta cần xây dựng pháp luật để cán bộ không phải đem sinh mệnh chính trị của mình ra thực thi chức trách, nhiệm vụ”, ông nói.