Đơn hàng giảm, sản xuất khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn dành nguồn tăng lương cho lao động để bù trượt giá, giữ chân lao động.
Từ ngày 1/1/2024, lương cơ bản của hơn 37.000 lao động Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) được tăng thêm 150.000 đồng mỗi người. Tổng kinh phí mỗi tháng doanh nghiệp chi ra khi tăng lương vào khoảng 5,7 tỷ đồng.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin Việt Nam, cho biết ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, từ đầu năm, đơn hàng sản xuất giày của nhà máy giảm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, ban giám đốc vẫn nỗ lực giữ lao động, sắp xếp công việc để đảm bảo thu nhập cho công nhân.
Ngoài duy trì mức thưởng Tết 2024 như khi làm ăn thuận lợi, ban giám đốc dành nguồn tài chính tăng lương cho toàn bộ lao động. Từ năm sau, lương cơ bản của công nhân mới gần 5,5 triệu đồng, cao hơn khoảng 750 nghìn đồng so với lương tối thiểu vùng I.
Khác với thưởng Tết phải trải qua 7 phiên thương lượng giữa công đoàn và doanh nghiệp mới chốt được, thỏa thuận tăng lương ở Changshin Việt Nam được thông qua rất nhanh.
Ông Tú cho biết ban giám đốc thể hiện sự thấu hiểu khi mức lương tối thiểu vùng hiện tại được áp dụng từ 1/7/2022, tức đã 1,5 năm, trong khi lương năm 2024 chưa chốt. Vì vậy để bù trượt giá, doanh nghiệp tăng thêm 150.000 đồng cho mỗi lao động. “Nếu sau này nhà nước tăng lương tối thiểu cao hơn, công ty sẽ bù cho đủ”, ông Tú nói.
Tương tự từ đầu năm sau gần 1.500 lao động Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được tăng lương đồng loạt 5-6%.
Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nikkiso Việt Nam, cho biết tất cả lao động được tăng 200.000 đồng. Đây là mức bù trượt giá để đảm bảo lương công nhân đủ chi tiêu. Ngoài ra, tùy vị trí làm việc, xếp loại, bậc lương, lao động sẽ được tăng thêm một khoản nữa.
Tại Nikkiso, mức lương dành cho công nhân mới, chưa bao gồm tăng ca khoảng 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Lao động thâm niên, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ có lương cao hơn.
Nikkiso là doanh nghiệp sản xuất máy lắp ráp thiết bị, dụng cụ y tế. Là ngành hàng thiết yếu song nhà máy không nằm ngoài ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế. Từ đầu năm, nhà máy giảm công suất 1.000 sản phẩm mỗi tháng.
“Dù khó khăn, ban giám đốc luôn ưu tiên lương cho công nhân”, bà Phát nói. Ngoài tăng lương, Tết 2024, công ty thưởng bình quân mỗi lao động hai tháng lương và quà trị giá 600.000 đồng.
Cố gắng tìm nguồn để tăng thu nhập cho lao động lúc kinh tế khó khăn cũng được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Theo báo cáo về thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search vừa công bố, gần 45% trong tổng số 4.000 người được hỏi cho biết được doanh nghiệp tăng lương trong năm nay, cao hơn nhiều so với nhóm bị giảm chỉ chiếm 11,5%. Với nhóm được lên lương, mức tăng phổ biến là 5-10% (chiếm trên 43%), tăng từ 15% trở lên chiếm gần 18%.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương), cho biết nhiều doanh nghiệp trong khu sắp tới sẽ tăng lương nhằm chia sẻ khó khăn với công nhân. Động thái này nhằm giữ chân lao động, chờ phục hồi bởi thời gian qua việc tuyển dụng của một số doanh nghiệp khá khó.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Sơn (ManpowerGroup Việt Nam) đồng quan điểm thời điểm này doanh nghiệp cần tính tới phương án tăng lương để thu hút nhân sự. Các khảo sát ManpowerGroup thực hiện chỉ ra thu nhập là yếu tố hàng đầu giữ chân lao động, đặc biệt trong lúc khó khăn nhân sự dễ chuyển dịch.
Theo ông Sơn, phần lớn doanh nghiệp đều có nguồn dự phòng để tăng thu nhập cho nhân viên. Ở một số công ty kinh phí tăng lương đến từ nguồn cơ cấu lại lao động. Theo đó, từ giữa năm ngoái không ít doanh nghiệp giảm nhân sự, giúp quỹ lương dư ra, dành tăng lương cho nhóm được giữ lại.
“Doanh nghiệp nỗ lực tăng lương, song ở chiều ngược lại lao động cần nâng cao trình độ, tay nghề và tăng năng suất, giúp nhà máy đạt hiệu quả sản xuất”, ông Sơn nói.
Lê Tuyết