Sử dụng du thuyền ở TP HCM ngày càng lớn song hầu hết bãi neo đậu không đáp ứng tiêu chuẩn, làm cản trở nhu cầu cũng như khó khăn cho bên sản xuất, người mua.
Ý kiến được ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền TP Thủ Đức, đưa ra tại toạ đàm Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn, được tổ chức ngày 12/12.
TP HCM hiện có 73 cảng, bến thuỷ phục vụ vận tải hành khách, du lịch, trong tổng hơn 200 cảng, bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn, theo thống kê của Sở Du lịch thành phố. Trong đó, chỉ một số khu vực như bến Bạch Đằng (quận 1), Lan Anh (TP Thủ Đức)… đủ điều kiện về hạ tầng và không gian mặt nước cho các tàu thuỷ, du thuyền lớn neo đậu.
Theo ông Thắng, tình trạng trên gây khó khăn lớn cho cá nhân, doanh nghiệp sở hữu du thuyền hoặc canô khi tìm địa điểm neo đậu. Hiện, thành phố có gần 100 du thuyền cùng nhiều loại canô của cá nhân, nên những nơi đủ điều kiện luôn kín chỗ. Thực trạng này cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện thường xuyên.
Đại diện Câu lạc bộ Du thuyền TP Thủ Đức cũng cho rằng bãi đậu hạn chế còn gây trở ngại lớn cho hoạt động mua bán, thử thuyền buồm ở thành phố. Theo đó, doanh nghiệp xuất xưởng du thuyền không có chỗ giao hàng cho khách mà phải qua Thái Lan, tốn thêm 4 ngày mới có thể bàn giao. Vấn đề này ngoài tốn thời gian, phát sinh chi phí, còn gây nản lòng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
“Do vậy, việc sớm đầu tư các bến du thuyền bài bản, tiến tới là trung tâm hàng hải ở thành phố là đặc biệt cấp thiết”, ông Thắng nói và cho rằng phát triển các bãi neo đậu du thuyền sẽ kích thích thêm nhiều dịch vụ kèm theo, giúp phát triển du lịch, kinh tế ven sông.
Tại toạ đàm, ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International – hãng tàu ở Australia, cho biết đã đến thị trường TP HCM hơn 10 năm trước do nơi đây có nhiều điều kiện khai thác công nghiệp đóng tàu thuyền, du lịch sông nước. Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh gặp khó khăn liên quan các chính sách, hạ tầng bến bãi…
Ông cho biết khi một phương tiện mới xuất xưởng phải thử nghiệm rất nhiều, nhất là những con tàu vượt đại dương càng cần chạy thử, kiểm tra bài bản. Tuy nhiên, bãi neo đậu ở TP HCM không đủ đáp ứng, nên doanh nghiệp phải hình thành một trung tâm chạy thử ở Thái Lan. Chưa kể, hoạt động đăng kiểm cho du thuyền ở TP HCM gặp nhiều khó khăn về thủ tục gây khó khăn cho nhu cầu sử dụng, hoạt động sản xuất, mua bán.
“Do vậy, cơ quan quản lý cần giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi xu hướng đầu từ, sử dụng du thuyền để vui chơi, du lịch ngày càng tăng”, ông Richard Ward nói.
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố hiện lên phương án tạo điều kiện đầu tư bến bãi cho hoạt động du thuyền. Theo đó, trong danh mục 411 vị trí định hướng làm bến thuỷ nội địa trên địa bàn có 164 địa điểm sẽ đầu tư mới. Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất ven sông có thể đề xuất địa phương cập nhật vào những vị trí này, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép đầu tư. Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu các chính sách mới tạo điều kiện cho hoạt động đường thuỷ.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, để khai thác tiềm năng đường thuỷ, ngoài các tuyến giao thông thuỷ, Sở phối hợp các bên liên quan rà soát quy hoạch, nghiên cứu mở đường ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son, quận 1 đến kinh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, dài khoảng 4 km.
“Việc mở tuyến đường này hướng đến mục tiêu tạo trục giao thông mới kết hợp phát triển du lịch, kinh tế cũng như khai thác tốt quỹ đất ven sông”, ông An nói.
Tại toạ đàm, Sở Du lịch TP HCM cho biết khách du lịch bằng đường thuỷ đóng vai trò lớn trong tăng trưởng ở thành phố những năm qua. Trong đó, số lượng khách năm 2023 và 2024 ước đạt 500.000 lượt, doanh thu 300 tỷ đồng mỗi năm và tăng khoảng 10% những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch trong lĩnh vực này còn nhiều thách thức nên cần phối hợp của các sở ngành khác để đầu tư đồng bộ từ bến bãi, cầu tàu đến bến neo đậu.Đây cũng là giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư từ bên tham gia các chuỗi sản phẩm du lịch ở thành phố.
Trong kế hoạch phát triển du lịch đường thuỷ đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu các sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông ở địa bàn và liên kết các địa phương lân cận.
Hạ Giang