Thanh HóaNgười dân mất đất sản xuất, xóm làng bị đe dọa khi bờ sông Mã ở huyện Bá Thước và sông Chu qua huyện Thọ Xuân liên tục sạt lở.
Đầu tháng 12, khi đang làm cỏ cho ngô tại bãi ven bờ tả sông Mã, bà Bùi Thị Hiền (thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện Bá Thước) giật mình khi cách đó vài mét, bờ sông bỗng đổ ụp xuống dưới. Hiện tượng này thi thoảng lại xuất hiện, khiến 1.000 m2 đất bồi ven sông gia đình bà được giao để trồng hoa màu dần thu hẹp, chỉ còn khoảng 300 m2.
Chủ tịch UBND xã Lương Trung Trương Ngọc Thụ cho biết sông Mã đoạn qua thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, hiện có một cung sạt lở chiều dài hơn 100 m, độ cao hơn 10 m. Tình trạng này bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, sau khi nhà máy thủy điện Bá Thước 1 được đưa vào vận hành.
Từ đó đến nay, do ảnh hưởng của hoạt động xả lũ và mùa mưa mỗi năm, bờ sông bị ăn sâu hơn 60 m. Khoảng 7 ha đất canh tác của hàng chục hộ dân đã mất. Ba hộ sinh sống gần khu vực sạt lở buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.
Theo ông Thụ, UBND xã Lương Trung đã kiểm tra và báo cáo lên cấp trên song chưa có hướng xử lý dứt điểm. “Phương án làm kè thì rất tốn kém, địa phương không có kinh phí, còn đắp bao đất, đóng cọc tre cũng không phù hợp vì độ cao vết sạt dựng đứng tới 10 m”, ông Thụ nói và cho hay, xã tạm thời cắm biển khuyến cáo người dân không đến gần để đảm bảo an toàn.
Bờ sông Chu đoạn qua xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân cũng sạt lở tương tự. Người dân thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải cho biết trận lũ tháng 10/2017 làm sạt lở nặng nề bờ hữu sông Chu và hiện tiếp diễn phức tạp. Diện tích lớn đất canh tác của nhân dân trong thôn đã trôi xuống lòng sông. Ông Lê Quang Đạo (thôn Hải Mậu) lo lắng nếu tình trạng này tiếp diễn thì “không bao lâu nữa cụm dân cư số 10 trong thôn sẽ biến mất”.
Theo khảo sát, cung sạt lở bờ hữu sông Chu qua xã Thọ Hải có chiều dài khoảng 1.600 m, trong đó khoảng 500 m rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 40 hộ dân thôn Hải Mậu. Mỗi năm, vết sạt lở lấn sâu 10-15 m.
Theo ông Vũ Trung Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Hải, địa phương phải di dân vào mùa lũ, trồng tre, trồng keo để giảm thiểu hiện trượng sạt lở song tác dụng không đáng kể. Vết sạt hiện xói ngầm chân đất tạo ra các hàm ếch, hố sụt có thể làm biến đổi dòng chảy, đe dọa các khu dân cư.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho rằng về lâu dài cần có công trình kè kiên cố tại vị trí sạt lở ở Thọ Hải để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân. “Huyện đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất cấp kinh phí xử lý khẩn cấp sự cố”, ông nói.