Lợi dụng việc chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID của người dân, các đối tượng lừa đảo đã liên tục gọi điện, sau đó gửi đường link qua các trang mạng xã hội yêu cầu người dân truy cập và cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.
CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN HƯỚNG DẪN KÍCH HOẠT VNEID, LẤY CẮP THÔNG TIN
Trong báo cáo điểm tin tuần về lừa đảo trên không gian mạng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), dẫn thông tin công an TP.HCM khẳng định tất cả cuộc gọi điện, liên lạc qua các ứng dụng mạng xã hội yêu cầu, hướng dẫn kích hoạt VNeID đều là giả mạo với mục đích lừa đảo, lấy cắp thông tin cá nhân…
Lợi dụng việc chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID của người dân, các đối tượng lừa đảo đã liên tục gọi điện, sau đó gửi đường link qua các trang mạng xã hội yêu cầu người dân truy cập và cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.
Qua các chiêu trò lừa đảo như trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân chỉ nên cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay truy cập vào các đường link lạ trên bất kỳ một phương tiện truyền thông nào. Lực lượng công an chỉ hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử trực tiếp, hoàn toàn không qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào.
Trong khi đó, cơ quan Công an khẳng định, tất cả cuộc gọi điện, liên lạc qua các ứng dụng mạng xã hội yêu cầu, hướng dẫn kích hoạt VNeID đều là giả mạo với mục đích lừa đảo, lấy cắp thông tin cá nhân của người dân.
“Lực lượng Công an chỉ hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử trực tiếp, hoàn toàn không qua cuộc gọi hay trang mạng xã hội nào. Nếu có thắc mắc về ứng dụng VNeID, người dân hãy liên hệ với cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an gần nhất, hoặc qua đường dây nóng Bộ Công an hoặc công an nơi cư trú”, Công an TP.HCM khuyến cáo.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội vừa xuất hiện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao giả mạo người của UBND quận thông báo công dân sai dữ liệu dân cư.
Các đối tượng liên tục gọi điện, giả danh nhân viên, cán bộ làm việc tại UBND phường, quận, thông báo với nạn nhân rằng dữ liệu cá nhân bị sai, đề nghị ra UBND để chỉnh sửa; yêu cầu cung cấp thông tin chứng minh nhân dân, thúc giục người dân đi làm căn cước công dân… Thủ đoạn của các đối tượng nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dùng để phục vụ vào mục đích xấu.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp để yêu cầu điều tra vụ án, nhận tiền hoặc yêu cầu đóng các khoản phí, nợ không xác định. Đồng thời, tuyệt đối không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên qua điện thoại. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
GIẢ DANH NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG LỪA ĐẢO 700 TRIỆU ĐỒNG
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Phước Long (35 tuổi, trú phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền để trả nợ, đối tượng đã nói dối nạn nhân rằng đang cần tiền đáo hạn để giảm lãi suất cho hợp đồng vay tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố, đồng thời hứa hẹn trong vòng 2 ngày sẽ giải ngân và trả lại tiền cho nạn nhân. Để tăng thêm lòng tin, đối tượng đã tạo bản hợp đồng cho vay hạn mức, giấy nợ kèm theo số điện thoại di động của đồng phạm, nói là nhân viên tín dụng ngân hàng, đề nghị nạn nhân gọi để kiểm tra khoản vay đáo hạn và thời hạn giải ngân.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.
Đặc biệt, khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.
GIẢ DANH BÁC SĨ LỪA ĐẢO KHÁM CHỮA BỆNH, BÁN THUỐC
Công an quận Bắc Từ Liêm Hà Nội vừa bắt gọn nhóm 10 đối tượng giả danh bác sĩ lừa đảo khám chữa bệnh và bán thuốc cùng với hàng loạt tang vật như máy tính, điện thoại di động, con dấu giả và hơn 600 hộp thực phẩm chức năng.
Tại cơ quan công an, đối tượng chủ mưu khai nhận đã lên mạng tìm mua thông tin cá nhân của những người cao tuổi đã từng đi mua thuốc chữa bệnh với giá 2.000 đồng mỗi số điện thoại để thực hiện hành vi lừa đảo. Mục tiêu mà các đối tượng này hướng tới là những người cao tuổi, mắc các loại bệnh lý liên quan tới tuổi già, đã mua và sử dụng thuốc đông y nhiều năm nhưng chưa khỏi bệnh.
Các đối tượng đánh vào tâm lý tuổi già, bệnh tật, khoản tiết kiệm không đủ trang trải lúc đau ốm, muốn được điều trị nhanh để nhanh khỏi bệnh để lừa đảo nạn nhân. Đối tượng giả danh là thanh tra Sở Y tế, thông báo với nạn nhân rằng họ nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước để chữa bệnh, hoàn lại 80% số tiền đã bỏ ra mua thuốc nhưng lại yêu cầu đóng trước phí làm và phê duyệt hồ sơ mới có thể nhận được gói hỗ trợ trên.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đặc biệt là người cao tuổi cần liên hệ trực tiếp với các bệnh viện, các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Đồng thời, các cơ quan ban ngành địa phương cần chú trọng việc tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người cao tuổi về cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng đã phối hợp cùng Google cho ra mắt Cẩm nang “An toàn trực tuyến” giúp người cao tuổi hiểu và phòng chống thông tin xấu độc trên không gian mạng. Đồng thời tổ chức chương trình tập huấn thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng trên địa bàn của 63 tỉnh thành cả nước.
LỪA ĐẢO MUA BÁN CỔ PHẦN, CHIẾM ĐOẠT HƠN 40 TỶ ĐỒNG
Công an TP. Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Nguyễn Thái Điền (39 tuổi, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Đồng thời, khởi tố bị can đối với Đào Nguyên Nghị (41 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hai đối tượng trên đã lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty Cổ phần Vựa miền Trung để thực hiện hành vi lừa đảo mua cổ phần chiếm đoạt số tiền hơn 38 tỷ đồng của hơn 500 bị hại.
Theo hồ sơ vụ án, để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, các đối tượng còn lập ra website “Fumart.vn” và app “Fumart” giả mạo, hiên ngang hoạt động dù không được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cấp phép. Ngoài ra, hai đối tượng còn dùng một phần tiền để tổ chức các sự kiện, truyền thông để quảng bá, lôi kéo nhà đầu tư; hoạt động kinh doanh hình thức, không có lợi nhuận để các bị hại tin tưởng tiếp tục giới thiệu, góp tiền mua cổ phần.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các lời mời đầu tư tiền ảo, gửi lãi trên mạng xã hội; cảnh giác với mức phí và chi phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường; nên lựa chọn các trang web, sàn giao dịch uy tín và các công ty chính thống.
“Nếu bạn không chắc chắn về một sàn giao dịch hoặc công ty, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định thông minh và an toàn. Ngoài ra, người dùng cần có trang bị cho bản thân không chỉ kiến thức về đầu tư mà còn về không gian mạng”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.