Thông tin nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (LDG), ông Nguyễn Khánh Hưng, bị bắt để điều tra liên quan đến dự án Tân Thịnh gây chú ý những ngày qua. Chiều 1/12, LDG đã phát đi thông báo vụ việc của ông Hưng sẽ không làm thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của LDG.
Dù vậy, động thái này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung và LDG nói riêng đối mặt với loạt khó khăn. Đặc biệt là làn sóng bán hàng ngàn tỷ tài sản nhằm cầm cự.
Trước đó, LDG đã có quyết định về việc tái cơ cấu tài sản, dự án để trả các khoản nợ trái phiếu, khoản nợ ngân hàng, đảm bảo nguồn tài chính để phát triển dự án. Không chỉ Công ty, phía LDG còn nhấn mạnh thời gian qua lãnh đạo Công ty cũng phải bán tài sản cá nhân để giữ công ty.
Các dự án mà LDG dự định tái cơ cấu bao gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt – Sơn Trà (Đà Nẵng) có quy mô đến 29 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng ở vị trí đắc địa. Đây từng được LDG coi là một trong những dự án chiến lược. Ngoài ra, LDG cũng đang tìm đối tác để bán dự án Khu chung cư lô C1 xây dựng tại phường Bình An, TP Dĩ An, Bình Dương và các tài sản, dự án khác thuộc sở hữu của Công ty.
Tương tự, CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) tiếp tục bán lại phần góp vốn của công ty tại Dự án Trung tâm thương mại 1 thuộc dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập (Tp.Nha Trang). Dự án phức hợp này gồm có 3 tầng thương mại, 10 tầng khách sạn và 2 tầng căn hộ. Đây là một trong những vị trí “đất vàng” tại Tp.Nha Trang khi nằm giáp cầu Trần Phú, cửa sông Cái chảy ra biển. Vào năm 2017, Hải Phát đã mua lại phần vốn góp tại HP Hospitality Nha Trang từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long.
Song song, HPX cũng có kế hoạch bán sỉ dự án tại Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Ninh để xử lý nợ… HPX cho biết đang gặp khó khăn về dòng tiền. Theo đó, năm 2023 Công ty không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu và đến hiện tại vẫn còn nợ một số khoản.
Đáng chú ý nhất là CTCP Tập đoàn No Va (Novaland, NVL) , dù không công bố cụ thể song thời gian qua NVL đã bán rất nhiều dự án bất động sản, song song với việc “bán đứt” mảng F&B cho một nhà đầu tư Singapore. Nhờ đó, quý 3/2023 NVL có lợi nhuận trở lại với 137 tỷ đồng, ngắt được chuỗi lỗ 2 quý trước đó.
Tương tự, Sunshine Homes (SSH) thậm chí báo lợi nhuận quý 3 “đột biến” với 510,5 tỷ đồng (tăng 604% so với cùng kỳ) nhờ bán tài sản. Ghi nhận, nhà đầu tư bất động sản hạng sang này đã chuyển nhượng cổ phần tại 4 công ty con là CTCP Sunshine AM, CTCP Xây lắp Sunshine E&C, Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng và CTCP Bất động sản Wonderland. Sau khi hoàn thành việc bán/chuyển nhượng nêu trên, các doanh nghiệp này đã không còn là công ty con gián tiếp, công ty liên kết gián tiếp của Công ty.
Loạt công ty khác cũng liên tục bán ra tài sản giá trị tích luỹ nhiều năm, có thể kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) bán lại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số TP Pleiku tỉnh Gia Lai để thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL năm 2016 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Chủ tịch CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR) trong lúc cao điểm khó khăn cho biết đã “bán rẻ tài sản 3.000 tỷ đồng với giá chỉ 2.000 tỷ đồng. Tài sản gia đình và cá nhân tôi cũng bán hoặc thế chấp để có tiền đưa công ty vượt qua khó khăn”; CEO CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) Nguyễn Thị Như Loan cũng cân nhắc bán dự án thủy điện ở Gia Lai – một mảng miếng vốn đang “hái ra tiền” – để xoay sở…
Tuy nhiên, song làn sóng bán tháo tài sản dự kiến chưa dừng lại. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 2 tháng cuối năm nay, VBMA ước tính có hơn 41.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Thống kê cho thấy có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, và 47 mã trái phiếu được gia hạn/thay đổi lãi suất.
Trong một văn bản hồi tháng 10 gửi Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến nghị định 08, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng cho biết, sang năm 2024, trị giá trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lên đến 329.500 tỷ đồng. Để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ.
“Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ, và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường” , hội này nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), vừa thừa nhận rằng các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang rất khó khăn. Chỉ có 23% doanh nghiệp có thể cầm cự qua hết năm 2023 nếu không có chính sách điều hành vĩ mô nào tác động tích cực cho ngành này. Việc sử dụng đòn bẩy tài tính cao, khi gặp khó khăn thì khó chồng khó, khiến nhiều doanh nghiệp căng thẳng nên phải bán tài sản…