Nikkei Asia đưa tin, tại một sự kiện công nghệ do Masan Group tổ chức trong tuần này, ông Danny Le – Tổng giám đốc cho rằng, kỷ nguyên tiền rẻ và chịu lỗ để giành thị phần đã kết thúc.
Được hỗ trợ bởi Bain Capital và Alibaba, Masan cho biết họ sẵn sàng chịu một số khoản lỗ trong ngắn hạn, nhưng tại thời điểm “chi phí vốn cao” như ngày nay, các nhà đầu tư chỉ có “sự kiên nhẫn ở mức trung bình”.
Ông Danny Le nhấn mạnh: “Giai đoạn nhà đầu tư chấp nhận tình trạng thua lỗ tại một công ty trị giá hàng tỷ đô la đã qua”.
Tập đoàn đa ngành Masan do ông Nguyễn Đăng Quang thành lập, hiện Masan bao gồm hàng chục mảng kinh doanh khác nhau, từ nhà cung cấp vonfram đến chuỗi siêu thị WinMart được mua lại từ Vingroup.
Chuỗi siêu thị WinMart và Masan High-Tech Materials là những bước mở rộng gần đây nhất của Tập đoàn Masan. Ông Danny Le cho biết Masan sẽ tạo điều kiện để các mảng kinh doanh mới để đạt được mức lợi nhuận tốt trong trung hạn.
Ông Danny Le nói: ““Trước đây, nhà đầu tư sẽ kiên nhẫn khi xem xét liệu công ty có thể tạo ra một mảng kinh doanh có lợi nhuận hay không. Nhưng những ngày tháng nhà đầu tư kiên nhẫn như thế đã chấm dứt”.
“TPG, SK Group, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi và Seatown Holdings đã đầu tư vào Masan” – Nikkei Asia viết – “Công ty được niêm yết tại sàn Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và đã đồng ý với các nhà đầu tư sẽ chuyển công ty con CrownX ra nước ngoài vào năm 2026”.
Các nhà phân tích cho rằng Masan có nguy cơ đầu tư dàn trải quá mức ở các ngành khác nhau. Các ngành nghề kinh doanh của công ty bao gồm chuỗi cửa hàng Phúc Long, xếp hạng tín dụng, di động ảo và logistics, cũng như sản xuất thịt, mì, đồ uống và các hàng hóa khác.
Masan cho biết trong báo cáo quý 3 rằng cuộc chiến của Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến công ty khai thác MHT, công ty phải đối mặt với chi phí năng lượng và nguyên liệu thô cao hơn cũng như giá bán vonfram thấp hơn. Quý này, công ty đang tìm cách bán bớt lượng đồng tồn kho, cắt giảm nợ và giảm chi phí cho việc nổ mìn và mua sắm.
Báo cáo cho biết, các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ đã bị tổn thương do chi phí cao hơn và “sự phục hồi chậm trong tâm lý người tiêu dùng”.
Theo Nikkei Asia, nhận xét của Danny Le phản ánh một xu hướng trong lĩnh vực công nghệ, khi các nhà đầu tư mất dần khả năng chịu đựng với các công ty thua lỗ. Grab hay Shopee đều buộc phải đặt mục tiêu có lợi nhuận. Chi phí sử dụng vốn ngày càng tăng lên khi các Chính phủ tăng lãi suất trên toàn thế giới.
Tâm lý tiêu dùng ở Việt Nam đang khá yếu trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, nhiều công ty sa thải nhân công và hoạt động sản xuất cũng sụt mạnh khi đơn hàng không còn dồi dào.
Ông Danny Le cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng ta hiện đã bước vào môi trường rất khó khăn”.