“Hơn bao giờ hết, các DN đang phải đối mặt với các thách thức cả trong và ngoài nước , trong việc tiếp cận nguồn tài chính để duy trì sự phát triển cũng như khả năng phục hồi trong bối cảnh hiện tại ”, ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng – Chủ tịch VNIDA chia sẻ tại Hội nghị cấp cao Thành viên HĐQT năm 2023 vừa được tổ chức tại Tp.HCM.
Chia sẻ về thực trạng kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho rằng sau mức tăng trưởng rất thấp nửa đầu năm 2023, GDP của Việt Nam được IFM dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 4,7% cả năm 2023 và năm 2024 lên mức 5,8%.
Mức tăng trường này đặt ra với với giả định rằng các thách thức với thị trường bất động sản được xử lý hoặc hấp thụ, tín dụng được nới lỏng nhất định và cầu về xuất khẩu dần khôi phục trở lại.
Xuất khẩu hồi phục và dòng vốn FDI là động thực tăng trưởng chính trong năm 2024
Đại diện FiinGroup lạc quan rằng các yếu tố nền tảng và động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt nam 2024 cơ bản là thuận lợi. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục đà tăng từ tháng 10/2023 nhờ cầu từ các thị trưởng chủ đạo được cải thiện, đạt 32,3 tỷ USD – tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, nhóm nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt mặc dù dệt may, da giầy, gỗ… phục hồi còn chậm.
Sang năm 2023, FiinGroup dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh do tổng cầu của các thị trường xuất khẩu chủ đạo (60% đang xuất sang Mỹ, Trung Quốc, châu Âu) dự kiến cải thiện. Trong đó, các nền kinh tế đã gần như hết chu kỳ tăng lãi suất, mặc dù vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện nay một thời gian.
Mặt khác, FDI đang hồi phục và kỳ vọng từ dịch chuyển từ Trung Quốc và các nhóm nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Ngoài ra, nền kinh tế còn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng và đóng góp chi tiêu nhất là khách quốc tế. Thực tế đã vượt 1,1 triệu khách quốc tế vào tháng 9 và tháng 10 nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với giai đoạn trước COVID-19.
“Đây là dấu hiệu tốt , dù khu vực Trung Quốc và Nga đang hồi phục khá chậm. Chúng ta đặt mục tiêu 13-15 triệu khách quốc tế và với mức chi tiêu bình quân 1,15 ngàn USD (năm 2022) sẽ là một nguồn ngoại tệ lớn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và cho cán cân thanh toán ”, phía FiinGroup nhấn mạnh.
DN vẫn gặp thử thách khi tiếp cận vốn trung và dài hạn
Tuy nhiên, ông Thuân cũng đề cập đến 4 rủi ro chính đến kinh tế năm 2024 gồm kinh tế Mỹ và Trung Quốc chưa phục hồi lại mức cũ; thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến; huy động vốn doanh nghiệp vẫn khó khăn và rủi ro đến từ địa chính trị, thực thi chính sách.
Trong đó, đầu tư tư nhân của DN nội địa dự kiến vẫn khó khăn năm 2024 do triển vọng kinh tế chưa rõ hoặc chưa ở giai đoạn tăng trưởng cao. Trong khi nguồn vốn trung và dài hạn vẫn là một thách thức lớn khi môi trường lãi suất tăng trở lại.
Riêng với nhóm bất động sản (BĐS), cầu thì lớn nhưng vấn đề là phía cung/pháp lý làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án và vấn đề tạo dòng tiền vẫn là một thách thức lớn. Triển vọng 2024 vẫn chưa rõ và phụ thuộc lớn vào việc tập trung tháo gỡ nợ xấu TPDN và nợ vay BĐS vì cho giãn hoãn vào 2024 và 2025 sẽ hạ cánh ra sao.
“Về triển vọng tăng trưởng kinh tế 2024, còn nhiều ẩn số bao gồm địa chính trị toàn cầu, xu hướng lãi suất quốc tế và xác suất suy thoái của các nền kinh tế là đối tác của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Rủi ro nội tại đối với nền kinh tế Việt Nam và ngành tài chính lớn nhất có lẽ là triển vọng thị trường bất động sản và lây chéo sang nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng. Yếu tố cần theo dõi là khi nào các chủ đầu tư giảm giá bất động sản và tháo gỡ pháp lý được triển khai trên diện rộng”, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh.
UBCKNN cùng HoSE có nhiều hoạt động đẩy mạnh ESG trong DN
Bà Trần Anh Đào, Quyền Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cho rằng không chỉ đối mặt với các thách thức, các DN còn đứng trước các yêu cầu về việc đổi mới như chuyển đổi số, áp dụng ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp), ứng dụng khoa học công nghệ. Đây vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời vừa là cơ hội mà các DN có thể nắm bắt để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc cải thiện chất lượng quản trị cũng như áp dụng phương thức quản trị thích ứng (adaptive governance) trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quản trị thích ứng là một cách thức tiếp cận nhấn mạnh tính thích ứng, linh hoạt, khả năng đứng vững và khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi lớn cũng như các cú sốc về mặt kinh tế” , bà Đào nhận định.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cho rằng quản trị công ty nói chung và hoạt động của HĐQT nói riêng là yếu tố cốt lõi giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa nguồn lực cũng như giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua UBCKNN đã ban hành và khuyến khích các DN Việt Nam áp dụng Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ tốt nhất dành cho các công ty đại chúng của Việt Nam, với những nhóm nguyên tắc theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, UBCKNN đã cùng HoSE có nhiều hoạt động phổ biến, khuyến khích hoạt động ESG trong hoạt động DN.