Nhắc tới chân gà, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới các món ăn chơi khiến bao “trái tim mê ẩm thực” phải siêu lòng. Chẳng hạn như món chân gà sả tắc, chân gà giòn sần sật kết hợp hoàn hảo với vị chua ngọt, cay cay cùng mùi thơm của sả và chanh; hay vẫn là cái cảm nhận giòn sần sật đó nhưng lại đi cùng với hương vị hơi mằn mặn, ngòn ngọt, cay cay trong món chân gà nướng… Thậm chí, chân gà đem luộc, chấm cùng chút muối trắng, đơn giản và bình dị vậy thôi nhưng cũng đủ khiến nhiều người phải nhớ nhung, thèm thuồng.
Thực tế, chân gà có thành phần chủ yếu là da gà, sụn, gân và xương. Nó rất giàu collagen, một khẩu phần (hai) chân gà khoảng 70 gam, hàm lượng protein là 14 gam, trong đó collagen chiếm khoảng 70% tổng hàm lượng protein! Chân gà có thể cung cấp một lượng lớn vitamin và khoáng chất cho cơ thể con người.
5 lợi ích sức khỏe của chân gà
Do đó, không chỉ ngon miệng, chân gà còn đem đến cho cơ thể bạn nhiều lợi ích sức khỏe.
1. Cải thiện làn da
Chân gà rất giàu collagen, giúp cải thiện làn da và duy trì độ đàn hồi cho da.
Một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) kéo dài 6 tháng trên 105 phụ nữ có cellulite (tình trạng sần da vỏ cam) vừa phải cho thấy việc bổ sung collagen thường xuyên làm giảm đáng kể tình trạng cellulite và độ gợn sóng của da.
Một nghiên cứu khác trên 805 người cho thấy việc tiêu thụ collagen giúp tăng tốc hiệu quả quá trình lành vết thương và chống lão hóa da.
2. Giảm đau khớp
Các nghiên cứu cũng cho thấy collagen trong chân gà có thể kích thích tái tạo mô và giảm các triệu chứng viêm khớp.
Viêm khớp làm mòn hoặc phá hủy sụn khiến các xương cọ xát vào nhau gây đau, sưng tấy và khó cử động. Collagen trong sụn gà có thể giúp giảm đau, giảm nguy cơ cứng khớp và rối loạn chức năng cơ thể.
3. Ngăn ngừa loãng xương
Phụ nữ dễ bị mất xương khi có tuổi hoặc sau thời kỳ mãn kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của xương.
Một nghiên cứu kéo dài 1 năm trên 102 phụ nữ cho thấy dùng 5 gam collagen peptide mỗi ngày làm tăng mật độ và tổng hợp khoáng chất của xương, từ đó làm giảm chứng loãng xương. Ăn collagen có thể chống mất canxi.
4. Kiểm soát lượng đường trong máu
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy protein chân gà có thể làm tăng tiết insulin bằng cách kích thích GLP-1 (một loại hormone kích hoạt sản xuất insulin), ức chế hiệu quả glucagon trong cơ thể, giảm nồng độ đường trong máu và cải thiện lượng đường trong máu.
5. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Tim chịu trách nhiệm đưa máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể, gây áp lực rất lớn lên động mạch.
Collagen và elastin đều hỗ trợ các động mạch lớn của cơ thể và làm giảm áp lực bên trong chúng. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sợi đàn hồi và collagen tốt là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tim.
Lưu ý khi ăn chân gà
Theo Healthline, những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe từ việc ăn chân gà chủ yếu đến từ cách chế biến, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ gây nghẹt thở.
– Chân gà chiên giòn giống như mọi thực phẩm chiên giòn khác, sẽ chứa nhiều axit béo chuyển hóa (TFA), một chất béo không bão hòa, không lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch. Cụ thể, TFA có thể làm tăng các dấu hiệu viêm, cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và cholesterol LDL (có hại) trong khi giảm cholesterol HDL (có lợi), từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch hoạch tích tụ mảng bám trong tĩnh mạch và đau tim. Hơn nữa, TFA có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
– Khi mua chân gà, bạn hãy kiểm tra kỹ càng. Nếu chân gà bạn mua trông không sạch sẽ, hãy rửa kỹ để loại bỏ bụi bẩn.
– Chân gà gồm nhiều xương nhỏ, có thể gây nguy hiểm nghẹt thở cho cả trẻ em và người lớn.
Nguồn và ảnh: Healthline