Doanh nghiệp “kêu” lãi suất cao
Bà Lê – Kế toán trưởng một Công ty kinh doanh đường tại Tp.HCM – cho biết: So với đầu năm, lãi suất ngân hàng đã giảm và hạn mức tăng trở lại sau thời gian siết chặt. Công ty cần vốn lớn để đặt hàng nhà máy sắp vào vụ sản xuất mới, vừa hợp đồng vay vốn với một số nhà băng, lãi suất của các khoản vay có giảm nhưng không được hưởng mức 6% như một số đơn vị khác.
Ngoài một số DN kỳ vọng tiếp cận vốn giá rẻ, không ít DN vì sức cầu giảm nên không mặn mà vay. Đại diện CTCP Bếp Cụ Nho (trụ sở tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) tâm sự 2 tháng này thường ở nhà tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) hơn văn phòng. Được biết, Bếp Cụ Nho cung cấp xôi cho một hãng hàng không, chuỗi siêu thị và có hệ thống xe bán hàng khắp Tp.HCM, nhưng những tháng qua, doanh số giảm; số lượng điểm bán mới tăng ít. Kinh doanh ảm đạm, Bếp Cụ Nho từ chối các lời mời vay vốn từ ngân hàng quen.
Trước đây, công ty thường vay vốn ngân hàng để mua nguyên liệu sản xuất, máy móc, xe chở hàng, thậm chí đầu tư bất động sản và có lịch sử tín dụng tốt, mối quan hệ tốt với một số ngân hàng.
“Gần đây, tôi nhận nhiều cuộc gọi mời vay với lãi suất 10%/năm, trong khi bạn bè đang có mấy khoản cũ mức 13-14%/năm, nhưng tôi từ chối vì không có nhu cầu. Bây giờ đâu dám mở rộng xưởng hay mua sắm gì”, đại diện chia sẻ.
Vấn đề định giá tài sản cũng là băn khoăn của một số DN
Đại diện Hiệp hội Nhựa nhấn mạnh hơn 1 tháng qua có làm việc với Ngân hàng Nhà nước, tổ chức các chuyến thăm tiếp đón đoàn đại biểu về vấn đề khơi thông tín dụng cho DN trong ngành. Song, thực tế rất khó.
“Tiếp cận vốn hiện nay khó không riêng ngành nhựa mà các ngành nghề khác đều vướng, do những điều khoản của ngân hàng hiện nay nhiều DN chưa đạt được”, vị này nói. Trong đó, khúc mắc mới nhất liên quan đến tài sản đảm bảo. Ban đầu, khi DN tiếp cận vốn vay thì thế chấp máy móc, thiết bị. Sau một khoảng thời gian, DN cần vay mới để nâng cấp máy móc đó, hoặc đầu tư thêm dây chuyền, đặc biệt chuyển đổi sản xuất để đáp ứng xu hướng ESG hiện nay thì không thể đáp ứng được tiêu chí từ nhà băng. Chưa kể, máy móc thế chấp hồi xưa cũng không còn giá trị cao nữa, đưa DN vào thế khó chồng khó.
“Trong khi, ESG đang là xu hướng lớn trên toàn thế giới, bắt nguồn từ các nước phát triển Tây Âu. Tại Việt Nam, ESG đặc biệt quan trọng với các ngành xuất khẩu như dệt may, nhựa, gỗ… Và các DN xuất khẩu này lại đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nói chung tại Việt Nam. Bởi, Việt Nam khác với các nước phát triển khác là nên kinh tế dựa trên xuất khẩu. Năm 2022-2023, các ngành xuất khẩu chủ đạo giảm 50-60% đơn hàng là cả nền kinh tế “đứng hình””, bà Vũ Thị Đức Hạnh – Giám đốc Atradius Việt Nam – bổ sung.
Atradius là công ty đứng thứ 2 thế giới về bảo hiểm tín dụng có trụ sở tại Hà Lan. Ở Việt Nam, Atradius là đi cùng với mắc xích cung ứng, kinh doanh cũng như cấp vốn tín dụng giữa ngân hàng, DN, đối tác. Đánh giá Việt Nam là quốc gia rất tiềm năng khi xuyên suốt 10 năm qua vẫn nằm trong Top 5 tăng nhanh nhất châu Á, Atradius do đó đã sớm có những định hướng phát triển về ESG.
Tựu chung, không ít DN hiện chỉ có nhu cầu vốn ngắn hạn. Vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh giảm vì nhiều DN xuất khẩu, bán hàng nội địa gặp khó đầu ra. Chuyên gia nhìn nhận, để dòng vốn chảy vào nền kinh tế, câu chuyện không đơn giản là giảm lãi suất hay đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho vay từ ngân hàng. Chỉ khi lòng tin của DN với thị trường được khôi phục, đơn hàng xuất nhập khẩu gia tăng và tiêu dùng của người dân tăng trở lại thì dòng vốn mới được khơi thông.
Ngân hàng “than” 2 tháng cuối năm coi như không có lời
Ở chiều ngược lại, ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDbank – cho biết thực tế thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của các DN mà còn là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại.
Đại diện HDBank cho biết các ngân hàng cho vay trong 2 tháng cuối năm gần như không có lãi do lãi suất huy động đầu năm đã rất cao. Bổ sung, phía Ngân hàng Agribank cũng bày tỏ từ đầu năm Agribank 7 lần liên tiếp hạ lãi suất cho vay, lãi suất sàn tại thời điểm hiện nay đã quay trở lại trước dịch Covid-19 diễn ra. “Chưa có lúc nào lãi suất cho vay lại thấp như lúc này”, đại diện nhà băng nói.
Trong khi, tuy lãi suất cho vay giảm, nhiều gói hỗ trợ tung ra nhưng đa phần lãnh đạo ngân hàng đều nhìn nhận vốn vẫn chưa chảy vào nền kinh tế. Nguyên nhân dòng vốn chưa vào do môi trường kinh tế yếu, các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng thấp. Tín dụng tiêu dùng chỉ tăng khoảng 1% và tín dụng cho vay bất động sản đối với tiêu dùng (mua nhà ở) thậm chí giảm.
Mặc dù vậy, TS Võ Trí Thành đánh giá nếu so với năm 2022 thì tình hình năm nay đã khá hơn rất nhiều. Cụ thể, 2022 là năm rất khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, tỷ giá tăng cao, có lúc lên 9%, căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng, chưa kể hơn 100.000 tỷ đồng phải bơm cho SCB. Điều này khiến các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất để hút tiền về. Thị trường trái phiếu, bất động sản đóng băng, chứng khoán đi xuống…
Hiện nay, thanh khoản ngân hàng dư thừa, hệ thống ngân hàng lành mạnh, lãi suất đang giảm, lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát. Điểm sáng là giải ngân đầu tư công năm nay ước đạt được 80 – 85%, chưa hoàn thành con số 95% Chính phủ giao nhưng xét về tuyệt đối lớn và vượt 2022.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Thành cho rằng DN nên nằm lòng 3 điều gồm phòng thủ, tích cóp và bắt nhịp xu thế. Cụ thể, DN nên biết quản trị rủi ro, đưa ra nhiều kịch bản, phản ứng nhanh trong bối cảnh kinh tế bất định và kịp thời bắt nhịp xu thế.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có, trong vòng 3 năm tới phải cố gắng tóm lấy nó, đó là sự chuyển dịch chuỗi cung ứng như bán dẫn, chip…”, ông Thành chia sẻ.