Những chương trình về tuyển dụng vẫn luôn thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả, trong đó không thể không bỏ qua Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance?. Sau 6 tập với những màn “deal” lương đầy kịch tính, mới đây tập 7 của chương trình đã lên sóng. Cặp ứng viên đầu tiên xuất hiện trong vòng Đối mặt của Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance? tập 7 là Nguyễn Thành Đạt và Hoàng Hải Nam.
Ứng viên Nguyễn Thành Đạt (23 tuổi, Bình Dương) tốt nghiệp loại Xuất sắc Chương trình Tiên tiến ngành Khoa học máy tính tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Không chỉ vậy, Thành Đạt còn gây ấn tượng với thành tích chuẩn “con nhà người ta”. Nam ứng viên có hai năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ và bất động sản lớn; từng được đề cử là thành viên tham dự chương trình Trại Hè các quốc gia Đông Nam Á tại Thái Lan năm 2018 và chương trình trao đổi văn hóa tại Đài Loan năm 2019; Top 45 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên năm 2022.
Đối thủ của Thành Đạt là ứng viên Hoàng Hải Nam (21 tuổi, Hà Nội) đang học năm 3 chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Thương mại. Thấy những cơ hội phát triển của ngành công nghệ trong thời đại mới, nên Hải Nam đã mạnh dạn chuyển hướng sang lĩnh vực IT BA (Information Technology Business Analyst – Phân tích Kinh doanh Công nghệ thông tin). Một số thành tích nổi bật của Hải Nam: Quán quân cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh năm 2021, sở hữu IELTS 7.0 và có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Trung, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Chủ đề tranh biện cho 2 ứng viên này ở vòng Đối mặt là: “Theo bạn áp lực đồng trang lứa mang lại tác động tích cực hay tiêu cực?”.
Ứng viên Hoàng Hải Nam giành quyền trình bày quan điểm trước, anh chàng khẳng định áp lực đồng trang lứa mang đến cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, áp lực làm gia tăng tính cạnh tranh và giúp nhau cùng tiến lên. Bên cạnh đó, áp lực đồng trang lứa sẽ gây ra tiêu cực nếu nó khiến mọi người ganh đua thái quá.
“Tiêu cực lúc nào cũng có nhưng nó phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người… Để vượt qua áp lực đồng trang lứa phụ thuộc ở vấn đề giáo dục và mỗi người cần tìm ra con đường, thế mạnh của riêng mình”, Hải Nam dứt khoát.
Đồng quan điểm với Hoàng Hải Nam, Thành Đạt cũng chỉ ra những tích cực và tiêu cực mà áp lực đồng trang lứa mang đến. Theo đó, ứng viên cho rằng điểm tích cực của áp lực đồng trang lứa là sẽ cho chúng ta nguồn động lực, thúc đẩy mỗi người cần làm việc, học tập chăm chỉ hơn nữa. Về mặt tiêu cực, nó sẽ khiến mọi người tự ti và mệt mỏi hơn nếu suốt ngày phải so sánh mình với người khác.
Kết thúc vòng Đối mặt, ứng viên Hải Nam được 3/5 sếp bình chọn và giành quyền bước vào vòng Chinh phục. Ứng viên Thành Đạt phải dừng lại cuộc thi vì chỉ được hai lá phiếu bình chọn. Tuy nhiên, cả sếp Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT và sếp Lan – Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Atlantic, đã có lời mời riêng Thành Đạt về công ty làm việc.
Dù chỉ đang học năm 3 đại học, nhưng vừa bước vào vòng Chinh phục, Hải Nam đã liên tục phải nhận thử thách là các câu hỏi chuyên sâu về nghiệp vụ Business Analyst (BA) từ cả sếp Lan và sếp Tiến. Bằng bản lĩnh của mình, mọi câu trả lời của Hải Nam đều khiến các sếp bất ngờ vì mức độ hiểu biết sâu.
Sếp Hiếu – Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc, sếp Vũ Anh – CEO công ty TNHH Cốc Cốc và sếp Vũ Linh – Tổng giám đốc thương hiệu thời trang IVY moda, cũng không bỏ lỡ cơ hội “săn” ứng viên tiềm năng này với hàng loạt câu hỏi hóc búa nhưng nam ứng viên vẫn trả lời rất xuất sắc.
Thời khắc bùng nổ nhất trong chương trình Cơ Hội Cho Ai là khi ứng viên Hoàng Hải Nam cùng lúc được cả 5 sếp bấm đèn xanh sau khi bày tỏ quan điểm về lương và định hướng nghề nghiệp.
“Mức lương khởi điểm không quan trọng, quan trọng là hành trình và điểm cuối cùng. Câu chuyện lương thấp khi mới bắt đầu là việc rất bình thường”, Hải Nam chia sẻ.
Vòng Cơ hội cho ai là phần khiến các sếp “cân não” bởi ứng viên chỉ có một nhưng cả năm sếp đều muốn nhận về đội.
Trong vòng này, ứng viên Hoàng Hải Nam tự tin đề xuất mức lương kỳ vọng của mình là 12.000.000 đồng. 5 sếp lần lượt thiết kế vị trí công việc phù hợp tại công ty để thuyết phục Hải Nam về làm. Theo đó, sếp Lan muốn mời ứng viên Hoàng Nam về làm ở vị trí nhân viên BA với mức lương là 8 triệu; Sếp Hiếu đề xuất vị trí nhân viên BA vận hành kinh doanh với mức lương 10.868.686 đồng; Sếp Vũ Linh offer vị trí IT BA với mức lương 10.550.000 đồng; Sếp Hoàng Nam Tiến đề xuất vị trí app marketing với mức lương 12.345.678 đồng; Sếp Vũ Anh đề xuất vị trí BA trình duyệt và sản phẩm nội dung với mức lương 12.000.000 đồng.
Sau khi nhận offer từ các sếp, ứng viên Hải Nam chia sẻ rằng bản thân cảm thấy rất may mắn khi nhận được 5 đèn xanh và được 2 sếp đề xuất mức lương đáp ứng kỳ vọng của mình.
Trước khi đưa ra quyết định sẽ về với Tập đoàn FPT hay Công ty Cốc Cốc, Hải Nam đã hỏi cả sếp Tiến và sếp Vũ Anh về những cái thiếu của sinh viên Việt Nam hiện nay.
Sếp Tiến cho rằng: “Các bạn trẻ Việt Nam rất là yếu về sức khỏe một tinh thần minh mẫn một trí tuệ sáng suốt phải trong một cơ thể khỏe mạnh, điều thứ hai các bạn luôn luôn gặp phải là vấn đề là coi tiếng Anh là ngoại ngữ, mà tiếng Anh là phải ngôn ngữ để làm việc để sống và để giải trí còn điều thứ ba là đấy là khả năng học tập suốt đời”.
Với kinh nghiệm làm ở cả Việt Nam và nước ngoài, Sếp Vũ Anh lại cho rằng các bạn trẻ hiện nay đang thiếu sự thấu cảm với khách hàng.
Về phần mình, Hải Nam lại cho rằng các bạn trẻ hiện nay thiếu sự định hướng. Sau cùng, Hải Nam bị thuyết phục hơn bởi sếp Tiến nên ứng viên này đã lựa chọn về với về với tập đoàn FPT.