Thương vụ thâu tóm nhà máy cáp điện của Malaysia năm 2022
Vào giữa năm 2022, Sunhouse cho biết, họ đã thực hiện nghiệp vụ M&A (mua lại và sáp nhập) nhà máy sản xuất dây cáp điện Ovi Cables Việt Nam. Đây là thành viên của Công ty Olympic Cables thuộc Tập đoàn OSK Group Malaysia, có hơn 40 năm kinh nghiệm sản xuất dây cáp xuất khẩu trên thế giới.
OVI CABLES (Việt Nam) được thành lập vào tháng 9/2006, công suất mỗi năm khoảng 8.000 tấn đồng. Sản phẩm của nhà máy được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế IEC, BS, TUV, QUATEST 3 (Việt Nam) và được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO.
Sau hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam, dây cáp điện OVI Cables đã góp mặt tại hàng chục công trình bất động sản, nhà máy nổi tiếng khắp cả nước. Tiêu biểu có thể kể đến loạt dự án của Vingroup (Vinhomes, Landmark81, Vinpearl Land…) hay các nhà máy lớn khắp ba miền (Hanosimex, Toto, Kyocera, Thép Dana…).
Mặc dù khởi nghiệp và trở nên thành công trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng như xoong, nồi, chảo, ấm… nhưng cáp điện là một mảng kinh doanh quen thuộc của Sunhouse, như Shark Phú từng chia sẻ: “Ngày đầu khởi nghiệp, chúng tôi nhập khẩu cáp điện từ Hàn Quốc, Indonesia về bán tại Việt Nam. Có thời điểm dây cáp điện chiếm 70% doanh số của công ty. Đây là mảng kinh doanh quen thuộc với chúng tôi”.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy nhiên Sunhouse kỳ vọng thương vụ này giúp tập đoàn có bước tăng trưởng mới, góp phần vào chiến lược tăng trưởng ổn định 25-30% trong giai đoạn 5-10 năm sắp tới.
Người đứng đầu Sunhouse cho biết: “Thay vì xây dựng mới, Sunhouse M&A nhà máy cáp điện OVICables tại Bình Dương, nhằm thừa hưởng toàn bộ kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất thiết bị điện và cáp điện cũng như thương hiệu, truyền thống của DN cũ để nhân rộng. Sunhouse có thể cung cấp ngay sản phẩm chất lượng cho thị trường Việt Nam”.
Sở hữu 100% nhà máy SMT Narae Sunhouse System vào năm 2019
Giai đoạn trước năm 2020, phần lớn các nhà máy SMT (Surface Mount Technology – công nghệ dán bề mặt) tại Việt Nam là liên doanh hoặc có vốn FDI. Riêng trong lĩnh vực gia dụng, không có thương hiệu nào tự xây dựng cho mình một nhà máy SMT.
Xuất phát từ mong muốn làm chủ công nghệ lõi, tăng cường quản trị chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh, Sunhouse từ một đơn vị liên doanh đã sở hữu 100% nhà máy SMT Narae Sunhouse System vào năm 2019. Nhà máy này ứng dụng dây chuyền và công nghệ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, xây dựng theo tiêu chuẩn nhà cung cấp 1 của Samsung.
Sau khi sở hữu hoàn toàn nhà máy Narae, Sunhouse xác định phát triển nhà máy theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thiết lập 5 line SMT với tổng giá trị đầu tư cho máy móc, nhà xưởng, kỹ sư… lên tới 200 tỷ đồng. Riêng việc phục vụ cho các sản phẩm gia dụng Sunhouse đã đạt công suất 15 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến đến năm 2025, Sunhouse sẽ đầu tư gấp đôi công suất để mở rộng năng lực, đáp ứng nhiều hơn nữa cho các đối tác bên ngoài.
Song song đó, Sunhouse cho biết, đã không ngừng R&D để nâng cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Ngày 20/01/2022, quỹ đầu tư Sunhouse Invest đã ký kết đầu tư với Công ty Cổ phần nhà thông minh AnHome. Trước đó, startup AnHome được ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) cam kết đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4.
Đến ngày 11/03/2022, AnHome đã cập nhật tăng vốn điều lệ, từ 2,5 tỷ lên 4,17 tỷ đồng nhưng không cho biết cơ cấu chủ sở hữu mới. Địa chỉ Showroom theo website của AnHome thông tin nằm tại Toà nhà Richy, 35 Mạc Thái Tổ – Cầu Giấy – Hà Nội.
Ngoài các lĩnh vực mở rộng kinh doanh, ngành cốt lõi là đồ gia dụng cũng được đầu tư thêm trong năm 2022. Tháng 4/2022, Sunhoues khai trương nhà máy sản xuất máy lọc nước RO tại Long An. Ở giai đoạn 1, nhà máy tập trung hoàn thiện hệ thống sản xuất cơ khí và lắp ráp máy lọc nước R.O với công suất khoảng 1.000 – 1.500 sản phẩm mỗi ngày (tương tương khoảng 40.000 máy lọc nước mỗi tháng). Giai đoạn 2 sẽ khai thác hết tổng diện tích hơn 20.000m2 sản xuất và đưa vào những sản phẩm gia dụng thế mạnh của SUNHOUSE như nồi chảo, nồi cơm điện, ấm siêu tốc…
Cùng với đó là hoàn thiện đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), quản trị chất lượng (QC) để cho ra đời những sản phẩm có tính địa phương hóa; hợp nhất các quy trình phát triển, sản xuất và bán hàng tại cùng một nơi.