Giá vàng thế giới duy trì xu thế giảm do nhu cầu phòng ngừa rủi ro giảm sút và trong lúc nhà đầu tư chờ đợi những tín hiệu mới về chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng miếng trong nước sáng nay tăng 500.000 đồng/lượng, lên gần môc 70 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn đi ngang.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,9 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 500.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 58,7 triệu đồng/lượng và 59,7 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,9 triệu đồng/lượng và 69,9 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.968,4 USD/oz, giảm 1,3 USD/oz, tương đương giảm gần 0,1%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường Mỹ – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Mức giá này tương đương gần 58,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Nếu so với thời điểm cuối tuần trước, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 1,2 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng miếng trong nước chỉ thấp đi 500.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng bán lẻ và giá vàng thế giới quy đổi vì thế tăng lên 11,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh khoảng 11,1 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Giá vàng nhẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 1,6 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá USD/VND giảm nhanh là một nguyên nhân khiến giá vàng thế giới quy đổi sụt giảm mạnh. Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.120 đồng (mua vào) và 24.490 đồng (bán ra), giảm 20 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua, nâng tổng mức giảm từ đầu tuần đến nay lên 200 đồng.
Phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay giảm 8,8 USD/oz, tương đương giảm 0,45%, chốt ở mức 1.969,7 USD/oz. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của vàng trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Giá vàng đã tăng mạnh trong 3 tuần kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas bùng nổ hôm 7/10. Nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị đã đẩy giá vàng vượt ngưỡng 2.000 USD/oz vào cuối tháng 10, cao nhất trong 5 tháng. Nhưng từ tuần trước, giá vàng bắt đầu suy yếu và để mất ngưỡng chủ chốt này, do cuộc chiến tranh tạm thời chưa có những dấu hiệu leo thang và lan rộng.
Nhà phân tích Marios Hadjikyriacos của công ty XM nhận định diễn biến giá vàng trong những phiên gần đây cho thấy nhà đầu tư không còn lo lắng nhiều về vấn đề địa chính trị.
Đồng USD tăng giá trong phiên ngày thứ Ba cũng gây áp lực giảm giá lên vàng và các kim loại quý khác. Chỉ số Dollar Index tăng 0,3%, chốt phiên ở mức hơn 105,6 điểm.
Giới đầu tư đang thận trọng trong lúc chờ loạt phát biểu của các quan chức Fed trong tuần này, bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell – người sẽ có hai bài phát biểu liên tiếp vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Thị trường đang đặt cược Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất từ giữa năm sau, nhưng sự đặt cược này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu Fed tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn và nền kinh tế không suy yếu.
Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari hạ thấp kỳ vọng về việc Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất. “Chúng tôi phải đưa lạm phát về 2% sau một khoảng thời gian phù hợp. Rồi nền kinh tế sẽ cho thấy cần mất thời gian bao lâu để đạt được mục tiêu đó. Tôi chưa biết sẽ mất bao lâu”, ông Kashkari nói với hãng tin Bloomberg.
Nhà phân tích Everett Millman của công ty Gainesville Coins cho rằng Fed càng bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm bao nhiêu, giá vàng càng hưởng lợi nhiều bấy nhiêu. Ngược lại, nếu nền kinh tế tốt lên trong năm 2024 và Fed phải hoãn việc cắt giảm lãi suất, giá vàng sẽ đối mặt nguy cơ bị bán tháo.