Các phương án tính thuế mới hiện còn gây nhiều tranh cãi, không đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh minh bạch, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Đó là nhận định của các chuyên gia Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) tại đối thoại về thuế với chủ đề: “Nắm bắt xu thế để thay đổi” vừa diễn ra. Buổi đối thoại được tổ chức nhằm cập nhật và giúp doanh nghiệp nắm bắt về xu hướng và thay đổi mới nhất của môi trường chính sách thuế trong nước và quốc tế, cung cấp góc nhìn và những phân tích chuyên sâu về những cơ hội và ảnh hưởng tiềm tàng đến doanh nghiệp.
Sửa đổi chính sách thuế nội địa gây nhiều tranh cãi
Chia sẻ tại buổi đối thoại, bà Trang Phạm, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn Thuế, Công ty cổ phần EY Việt Nam đánh giá công tác thu ngân sách nhà nước năm nay khá căng thẳng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh vì chồng chéo các cú sốc tiêu cực, nền kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng trì trệ.
Trong bối cảnh đó, EY Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của giám đốc tài chính trong việc xác lập và thực thi các chiến lược về thuế để đảm bảo các giao dịch và các kế hoạch kinh doanh được thực hiện với hiệu quả tối ưu về thuế. Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, giám đốc tài chính các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức mới. Đồng thời, cập nhật thường xuyên về những thay đổi trong chính sách thuế và hải quan quốc tế và trong nước để có những xem xét kỹ lưỡng trước khi xác lập và thực thi các mô hình giao dịch.
Hiện có Hàng loạt chính sách thuế nội địa có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, doanh nghiệp và đời sống nhân dân đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến công khai và dự kiến trình Quốc hội và thông qua trong các kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XV, nổi bật là: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, với dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện EY Việt Nam cũng điểm lại 3 đề xuất chính, bao gồm:
Thứ nhất , dự thảo luật đề xuất bổ sung nhiều đối tượng chịu thuế như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, như vậy rất nhiều loại đồ uống sẽ tăng giá nếu chịu thuế. Bên cạnh đó dự kiến bổ sung thuốc lá điện tử, game online vào khuôn khổ áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thứ hai , đề xuất điều chỉnh thuế suất của một số mặt hàng không khuyến khích sử dụng, có hại cho sức khỏe như: Thuốc lá, rượu bia. Ngược lại, một số mặt hàng có lợi cho môi trường, cần khuyến khích như xe điện, xe lai giữa xăng – điện sẽ giảm thuế suất.
Thứ ba , về phương pháp tính thuế suất, ngoài ra phương pháp tính thuế tương đối tính theo phần trăm trên giá sản phẩm, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu phương án tính thuế tuyệt đối hoặc phương pháp hỗn hợp.
Với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trước đây, hoạt động chuyển nhượng bất động sản nếu phát sinh lãi không được bù trừ với số lỗ của hoạt động kinh doanh khác, thay vào đó, lỗ hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản mới có thể bù trừ với lãi của hoạt động kinh doanh thông thường.
Tuy nhiên, điểm mới tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang lấy kiến là: Cho phép bù trừ lãi lỗ hai chiều. Đây có thể xem là tin vui với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành, đa nghề và việc cho phép bù trừ lãi lỗ là khá phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dù vậy, các phương án tính thuế mới hiện còn gây nhiều tranh cãi, không đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh minh bạch, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Ví như các chính sách về thuế giá trị gia tăng, với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn, chứng từ, chuyên gia từ EY Việt Nam cho biết, hiện cũng còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp như: Phạt vi phạm hành chính về hóa đơn khi bổ sung thông tin về mã số định danh của người mua vào nội dung; thời điểm lập hóa đơn trong vòng 24 giờ, kể từ khi xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan với hàng hoá xuất khẩu; xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại…
Hay như nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp gây nhiều quan ngại cho doanh nghiệp. Đơn cử như Bộ Tài chính đang đề xuất quy định về giá trị hàng hoá dịch vụ mua vào phải có chừng từ thanh toán không dùng tiền mặt giảm từ 20 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia của EY Việt Nam, con số này sẽ gây nhiều vất vả cho doanh nghiệp.
Một quy định khác mà EY Việt Nam hy vọng sẽ không được thông qua là nguyên tắc bổ sung về các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí thực tế phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, có chứng từ đầy đủ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang đưa vào một điểm gây băn khoăn cho doanh nghiệp, đó là, trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh những chi phí không phù hợp với quy định quản lý chuyên ngành thì không được khấu trừ chi phí.
Theo đánh giá của bà Hương Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn Thuế EY Consulting Việt Nam, doanh nghiệp khi hoạt động rõ ràng chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định, về môi trường, đầu tư, xây dựng hay lao động. Trong trường hợp này, chỉ lơ là chút xíu mà không tuân thủ quy định dù nhỏ hay lớn, doanh nghiệp hoàn toàn có nguy cơ phát sinh chi phí có liên quan và không được khấu trừ.
Chẳng hạn, để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt trong mùa vụ cao điểm, doanh nghiệp không thể tuyển thêm hàng nghìn lao động mà thường yêu cầu nhân viên làm thêm giờ, đôi khi vượt quá so với quy định của Bộ luật Lao động. Nếu quy định được thông qua sẽ khiến doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí, đây là điều rất trăn trở.
Vì vậy, đại diện EY Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên góp ý quy định này với cơ quan quản lý và đơn vị làm chính sách.
Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra một số quy định khá chặt về ưu đãi đầu tư. Theo đại diện EY Việt Nam, trước đây, quy định ưu đãi đầu tư với khu công nghiệp, khu kinh tế khá dàn trải. Thế nhưng, hiện tại, Bộ Tài chính đang đề xuất cần phải có chọn lọc, tức dự án nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế ở những địa bàn không thuận lợi hoặc khó khăn mới được hưởng ưu đãi. Về ưu đãi theo quy mô lớn, trước đây quy định dự án đầu tư 6.000 tỷ đồng được hưởng ưu đãi rất tốt nhưng hiện quy mô vốn ít nhất phải trên 12.000 tỷ đồng.
Xây dựng chính sách thuế mới phù hợp thông lệ quốc tế
Bên cạnh sửa đổi chính sách thuế nội địa, Việt Nam cũng buộc phải xây dựng những chính sách mới, trong đó có các chính sách về thuế. Do phát sinh các yêu cầu mới về tuân thủ, doanh nghiệp có thể phải chịu thêm chi phí thuế.
Chẳng hạn, chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu theo Trụ cột 2, đây là quy định được thiết kế rất phức tạp để phù hợp với mức độ phức tạp của các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Nhằm đảm bảo tuân thủ, doanh nghiệp phải hiểu được các quy tắc này và phải có sự phối hợp chặt chẽ với công ty mẹ để cung cấp đầy đủ các thông tin cho mục đích tính toán thuế suất hiệu quả và xác định nghĩa vụ thuế bổ sung.
Bên cạnh đó, chính sách thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động ảnh hưởng do Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đặt ra đối với hàng hóa của Việt Nam cũng đang được nghiên cứu.
Về vấn đề này, bà Hương Nguyễn cho biết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, đặc biệt trong các nhóm mặt hàng như: xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón… đang lo cách ứng phó với cơ chế này.
Theo quy chế này, tất cả những nhà nhập khẩu vào châu Âu sẽ phải nộp thuế carbon. Trước mắt, từ tháng 10/2023 đến hết năm 2025, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về khối lượng xuất khẩu vào châu Âu, về lượng khí thải carbon thải ra trong quá trình sản xuất.
Sau đó, kể từ năm 2026, trên cơ sở phát thải và những quy định về môi trường, về khí hậu của EU sẽ tính toán mức phí carbon. Điều này dẫn đến chi phí xuất khẩu tăng lên rất nhiều. Dù ít hay nhiều, doanh nghiệp Việt Nam đều nắm được quy định này và cũng đang ráo riết chuẩn bị để nghiên cứu các phương án để giảm khí nhà kính trong quá trình sản xuất cũng như báo cáo với cơ quan quản lý của EU về lượng phát thải.
Cùng với đó, doanh nghiệp bắt buộc phải nghĩ đến việc đầu tư vào máy móc, thiết bị sản xuất mới hoặc đầu tư sử dụng điện sạch. Ngoài ra, nhà hoạch định chính sách cũng phải đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh.