Mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo khả năng hủy niêm yết cổ phiếu CTX của CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings). Cụ thể, nguyên nhân dẫn đến việc này bị hủy niêm yết là do công ty này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và cổ phiếu CTX đã không phát sinh giao dịch nào trong một năm.
Trên thực tế, kể từ ngày 28/10/2022 cổ phiếu CTX đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch trong ngày thứ 6 vì chậm nộp BCTC xoát xét bán niên quá 45 ngày so với quy định. Ngoài ra, kể từ ngày 5/8/2022 cho tới nay cổ phiếu này không phát sinh một giao dịch khớp lệnh trên sàn nào.
Thậm chí, trong đầu năm 2023 một loạt cổ đông lớn cùng người nội bộ của doanh nghiệp này đang ký bán cổ phiếu CTX với mục đích giao dịch là góp vốn bằng cổ phiếu vào doanh nghiệp khác thông qua phương thức giao dịch ngoài hệ thống cũng không được thực hiện.
Đơn cử, 2 Phó Tổng giám đốc của công ty là ông Lý Quốc Hùng và bà Ngô Thị Thu Lý đăng ký bán gần hết số cổ phần đang nắm giữ, ở mức vài triệu đơn vị nhưng cũng không thành. Hay cổ đông lớn là CTCP Thăng Long Fundings – đơn vị có liên quan đến bà Ngô Thị THu lý Lý – cũng đăng ký bán 3,1 triệu/18,2 triệu cổ phiếu CTX đang nắm giữ (tỷ lệ 23,1%) những cũng không thể thực hiện.
Theo tìm hiểu, CTX Holdings được thành lập năm 1982 theo quyết định của Bộ Xây dựng với tên gọi Constrexim. Doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2006 và niêm yết cổ phiếu năm 2012. Năm 2013, doanh nghiệp đổi tên thành CTX Holdings với ngành nghề chính là xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, kinh doanh bất động sản, gia công, dịch vụ khách sạn…
CTX Holdings còn được biết đến là chủ của những dự án khách sạn, căn hộ “đình đám” như khách sạn 5 sao Pao’s Sapa Leisure Hotel tại thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai; khách sạn Champa Legend Nha Trang; dự án “đất vàng” CTX Complex A1 tại Cầu Giấy, Hà Nội; khu sinh thái biển Quảng Nam; hay dự án căn hộ dịch vụ PentStudio Tây Hồ tại Hà Nội.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện ở mức 789 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Xuân hiện đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 24,5% vốn điều lệ của CTX Holdings.
Có một điều kỳ lạ của doanh nghiệp này, ông Phan Minh Tuấn, Chủ tịch CTX Holdings lại kiêm nhiệm luôn vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, theo quy định của UBCKNN, một công ty niêm yết thì lãnh đạo không được kiêm nhiệm cả hai vị trí tại cùng một thời điểm. Ông Tuấn đã từng bị phạt 60 triệu đồng vì điều trên nhưng đến giờ vẫn chưa có cách khắc phục.
Trong những năm qua, công ty này ghi nhận lợi nhuận lên xuống khá “thất thường”. Theo đó, có những năm doanh nghiệp có thể có cả nghìn tỷ đồng doanh thu cùng hàng trăm tỷ lợi nhuận. Tuy nhiên, ngay trong năm sau có thể sụt giảm đến 80-90%.
Đến năm 2023, tình hình kinh doanh của công ty này có phần khởi sắc so với năm 2022 khi ghi nhận doanh thu gần 210 tỷ đồng sau 9 tháng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù là công ty có một số ngành nghề chính như dịch vụ khách sạn, bất động sản, hay xây dựng… và sở hữu nhiều dự án nhưng CTX Holdings lại “trắng” doanh thu mảng bất động sản và xây dựng. Toàn bộ doanh số của công ty đến từ mảng dịch vụ, khách sạn.
Sau khi trừ chi phí, công ty lãi ròng hơn 29 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng. Trên thực tế, doanh thu mảng bất động sản và xây dựng của công ty này đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2020.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của CTX Holdings đạt 2.237 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp là tài sản dở dang với 886 tỷ đồng. Trong đó, đa phần là chi phí xây dựng dở dang các dự án. Công ty hiện có 108,3 tỷ đồng tiền mặt và 490 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.
Cuối quý 3/2023, doanh nghiệp này có 148 tỷ đồng nợ vay tài chính, nhỏ hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu, đạt 1.010 tỷ đồng.
Các dự án của CTX Holdings đều vướng nhiều “lùm xùm”
Mặc dù sở hữu nhiều khách sạn 5 sao, những mảnh đất đắc địa trải dài từ Bắc chí Nam, tuy nhiên các dự án của công ty này lại vướng vào rất nhiều những lùm xùm.
Điển hình có thể kể đến dự án Constrexim Complex tọa lạc tại ô đất A1-2, khu đô thị Cầu Giấy, tiếp giáp đường Trần Quốc Vượng, Phạm Hùng và Xuân Thủy, tại nút giao cầu vượt Mai Dịch. CTX Holdings đã có giấy chứng nhận đầu tư dự án trên của UBND thành phố Hà Nội từ tháng 7/2012 và văn bản chấp thuận tổng mặt bằng của Sở Quy hoạch – Kiến trúc năm 2017. Đến cuối tháng 9/2023, doanh nghiệp này đã đầu tư vào dự án tổng cộng 486 tỷ đồng.
Constrexim Complex được quy hoạch làm trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ với 45 tầng và 3 tầng hầm. Theo đó, Dự án gồm 1 tòa văn phòng, 3 tòa căn hộ chung khối đế 5 tầng dịch vụ và thương mại, 3 tầng hầm để xe và hệ thống kỹ thuật. Tuy nhiên, dự án tại khu “đất vàng” của thủ đô này vẫn chưa được CTX Holdings tiến hành xây dựng và nằm “đắp chiếu” trong nhiều năm qua.
Một đơn cử khác là dự án căn hộ dịch vụ PentStudio Tây Hồ do công ty này làm chủ đầu tư có đầy dãy những tai tiếng khi thi công sai phép vượt tầng trước đó. Cụ thể, Pentstudio nằm tại vị trí Lô B, khu D1, 699 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội gồm 18 tầng nổi, 3 tầng hầm và 321 căn hộ.
Tuy nhiên, công ty này lại tiến hành xây dựng 20 tầng nổi. Cuối tháng 4/2020, nhiều cư dân đã có mặt tại sảnh tòa nhà dự án Pentstudio Tây Hồ yêu cầu gặp chủ đầu tư mong muốn được giải quyết bức xúc. Tuy nhiên, do không gặp được chủ đầu tư, các cư dân đã biểu tình, căng băng rôn, phản đối nhà đầu tư bán hàng không đúng quảng cáo, thu phí dịch vụ bất hợp lý, chưa trả sổ đỏ cho dân theo đúng hợp đồng ký kết, không công khai phí bảo trì,…
Theo phản ánh của một số chủ hộ, tuy được quảng bá rộng rãi là một dự án phong cách mới, tiện ích cao cấp đạt chuẩn quốc tế .. thế nhưng mỗi lần trời mưa, cư dân ở đây lại lo lắng chống dột, chống thấm, chống nước chảy vào nhà. Mức giá gửi xe oto được ấn định 3 triệu đồng/tháng nhưng không có sự giải thích thỏa đáng với cư dân.